Sát thủ ra tay tàn độc vì được "né" án tử hình!

18:39, 28/07/2012
|

(VnMedia)- Ngày 25/7, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã tuyên phạt hung thủ Lê Thiện Thành (SN 1991, ở tiểu khu 6, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa)18 năm tù giam vì hành vi giết người man rợ, nhưng gây án khi chưa đủ tuổi thành niên. Sự việc một lần nữa lại khiến dư luận "dậy sóng" bởi hành vi tàn độc, nhưng hình phạt quá nhẹ không thể đủ sức răn đe...

Những cái tên chỉ nhắc đến đã lạnh người...

Rạng sáng ngày 26/7/2009, tại tiểu khu 6, thị trấn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá xảy ra một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là vợ chồng anh Nguyễn Chí Thanh (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Dung (SN 1980). Khi bị giết hại, chị Dung đang mang thai tháng thứ 8. Ngay sau đó, hung thủ được xác định là Lê Thiện Thành (hàng xóm của vợ chồng nạn nhân).

Sau khi gây án, Thành và vợ đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, ngày 30/12/2011, các trinh sát nhận được nguồn tin từ nhân dân cho biết: Có một thanh niên gốc Thanh Hóa có vợ tên Quý đang làm việc ở một cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Bám theo nguồn tin, các trinh sát đã nhanh chóng có mặt tại cửa hàng này và khống chế Thành.

Khi trinh sát tiến hành bắt giữ, người này xuất trình CMND với tên là Lê Trọng Chính, thường trú tại Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, khám xét đồ dùng cá nhân của anh ta, các trinh sát tìm thấy một giấy phép lái xe mang tên Lê Thiện Thành và tấm ảnh thẻ giống với tấm ảnh lưu trữ trong tàng thư của cơ quan công an. Đến lúc ấy, Thành mới cúi đầu nhận tội.

 Ảnh minh họa

 Nụ cười khó hiểu của Lê Văn Luyện khi nghe tòa sơ thẩm tuyên án 18 năm tù giam.


Tại phiên toà xét xử ngày 25/7, VKSND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị truy tố Lê Thiện Thành về tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản", được quy định tại điểm a,b,e,n, khoản 1, Điều 93 và khoản 1, Điều 133 Bộ luật Hình sự. Với tội danh trên, đối tượng trong vụ án sẽ phải chịu phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, xét thấy thời điểm gây án, Lê Thiện Thành chưa đủ 18 tuổi, do đó toà tuyên phạt bị cáo 18 năm tù giam đối với tội giết người. 7 năm tù tội cướp. Tổng cộng là 18 năm tù và buộc bồi thường 121 triệu đồng cho gia đình bị hại. Ngoài ra, bị cáo phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 đứa con của anh Nguyễn Chí Thanh mỗi tháng 600.000 đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi, và chi trả tiền mai táng phí theo yêu cầu của gia đình bị hại...

Ở góc độ pháp luật, bản án 18 năm tù dành cho Thành là đích đáng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là với tội trạng dã man, hành vi tàn độc, xuống tay một lúc với 3 mạng người, nhưng bị cáo chỉ nhận hình phạt 18 năm tù liệu có quá nhẹ!?

Vụ việc này cũng khiến dư luận một lần nữa nhớ đến vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích ở Phố Sàn, huyện Lục Nam, Bắc Giang ngày 24/8/2011. Tháng 1/2012, Lê Văn Luyện, hung thủ của vụ thảm sát này cũng bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử. Và kết thúc phiên tòa, Lê Văn Luyện cũng chỉ bị tuyên 18 năm tù giam cho tất cả các tội cộng lại.

Sau khi phiên tòa xử Lê Thiện Thành kết thúc, và trước đó là phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện, có nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội nên sửa luật để nâng mức hình phạt đối với đối tượng phạm tội vị thành niên? Bởi, các đối tượng khi ra tay tàn độc nhưng không phải chịu hình phạt cao nhất của pháp luật là tử hình sẽ khiến hung thủ "nhờn" và rất có khả năng sẽ có những vụ thảm án kinh hoàng tái diễn.

Không phải cứ án tử hình mới đủ sức răn đe

Theo Bộ luật hình sự năm 1999 (điều 68), người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, điều này phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em mà chúng ta tham gia. Các nghiên cứu khoa học cho thấy người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất cũng như về tâm, sinh lý, họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên cũng như phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính nhân văn.

Chính vì vậy, Bộ luật hình sự nước nước ta quy định rõ: “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”, đồng thời theo các quy định về tổng hợp hình phạt thì khung hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội là 18 năm tù. Vấn đề này cũng thể hiện tính ưu việt và nhân đạo trong chính sách hình sự của Việt Nam đối với người chưa thành niên.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho rằng, sở dĩ xã hội lên tiếng đòi phải sửa luật bởi trong thời gian gần đây có nhiều vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội mà điển hình là vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích xảy ra ở Lục Nam, Bắc Giang. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận, đồng thời gây ra làn sóng căm phẫn trong nhân dân, cần phải loại bỏ Lê Văn Luyện ra khỏi đời sống xã hội.

"Nhưng với chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì Tòa án chỉ áp dụng hình phạt 18 năm tù đối với Lê Văn Luyện. Sau vụ án này, có ý kiến cho rằng phải sửa đổi Bộ Luật Hình sự, nhưng chúng tôi thấy do Việt Nam đã ký, phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em thì chính sách hình sự đối với những người chưa thành niên được quy định trong Bộ luật hình sự hiện nay là phù hợp", trung tướng Phan Văn Vĩnh nói.

Ngoài ra, theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, xu thế chung của các nước trên thế giới và Việt Nam thì người chưa thành niên luôn luôn được bảo vệ, giáo dục và chăm sóc với những điều kiện tốt nhất, việc xử lý các hình vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên được giảm nhẹ hơn  so với người đã thành niên, mục đích để cho các em nhận thức được lỗi lầm để sửa chữa, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc