Phân tích tâm lý tội phạm nữ sinh giết người

08:46, 05/07/2012
|

(VnMedia) - Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh giết người  khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Trao đổi với VnMedia về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chuyên gia Tâm lý, trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho biết: "Những nữ sinh là sát thủ trong những vụ án thời gian qua, trong tâm lý của họ có nhiều ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực nhưng không được giải tỏa kịp thời..."

>>
Bàng hoàng những nữ sinh giết người tàn nhẫn

- Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra liên tục thời gian gần đây mà thủ phạm là những nữ sinh chân yếu tay mềm. Thạc sĩ nghĩ sao về điều này?


Bạo lực học đường ngoài những hành vi bạo lực về thể xác còn có bạo lực bằng lời nói và bạo lực về cảm xúc. Chính vì vậy, không chỉ là nam giới mà nữ giới trước đây cũng từng có hành vi bạo lực nhưng có khuynh hướng dùng lời nói để làm người khác bị tổn thương nhiều hơn bằng tay chân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng nữ sinh sử dụng tay chân bạo lực cơ thể bạn có khuynh hướng gia tăng. Đây được xem là dấu hiệu đáng báo động đối với gia đình, nhà trường và toàn xã hội. 

 Ảnh minh họa
Nữ sinh giết người có nhiều ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực nhưng không được giải tỏa kịp thời...


- Chỉ vì ghen tuông, giận dỗi... nhiều nữ sinh đã ra tay tàn độc, và không chút do dự cướp đi sinh mạng của chính bạn học của mình khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Phải chăng cách hành xử này cho thấy nữ sinh đang dần đánh mất nét hiền dịu, yểu điệu truyền thống vốn có?

Bạo lực học đường hay những vụ án mạng do các bạn nữ sinh gây ra được cho là hành xử không phù hợp, sai lệch. Nó chỉ xảy ra ở một số bạn có đời sống tâm lý phức tạp, không cân bằng. Cho nên, không thể dựa vào những hành vi lệch chuẩn này để nhận định nữ sinh thời nay đang đánh mất dần những nét đẹp truyền thống. Kế đến, trong tâm lý, khái niệm “hiền” hay “tốt” không có nhiều giá trị trong đánh giá con người.

Vì vậy, thay vì đánh giá bạn nữ hiền, tốt thì chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc bạn nữ có phát triển lành mạnh về tâm lý, có hành xử, suy nghĩ phù hợp với tâm lý lứa tuổi, với chuẩn mực xã hội hay không…

- Khi nữ sinh phạm tội giết người, dư luận thường là chê trách nhiều hơn thông cảm. Ý kiến của thạc sĩ?

Bất kỳ cá nhân nào nếu phạm phải tội giết người thì đều bị xã hội chê trách, lên án. Sự thông cảm với người phạm tội chỉ có khi động cơ giết người của họ là do bị dồn nén tâm lý, buộc phải tự vệ. Tuy nhiên, với những vụ án có liên quan đến nữ sinh thì dư luận có sự quan tâm nhiều hơn vì trong nhận thức của xã hội, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn liền với những hành xử, lời nói đẹp. Một khi người khác đã hình dung người phụ nữ với nhiều nét đẹp thì nếu họ làm một hành vi không đẹp dễ bị đánh giá và chê trách nhiều hơn. Đó là sự tất yếu trong tâm lý con người. 

- Đứng ở góc độ nhà tâm lý học, thạc sĩ lý giải thế nào về hiện tượng một số nữ sinh trở thành sát thủ trong thời gian qua?

Ý nghĩ làm tổn thương, trả thù một ai đó để giải tỏa ức chế, dồn nén của bản thân có ở rất nhiều người. Tuy nhiên, sự hấp thụ giá trị chuẩn mực thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình sẽ khiến cho mỗi cá nhân có sự khác biệt về số lần xuất hiện của những ý nghĩ xấu, mức độ tồn tại của ý nghĩ xấu trong đầu cũng như việc biến ý nghĩ xấu đó thành hành động thực tế.

Cho nên, với những bạn nữ sinh là sát thủ trong những vụ án thời gian qua, trong tâm lý của các bạn ấy có nhiều ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực nhưng không được giải tỏa kịp thời. Ngoài ra, sự quan tâm của gia đình nếu có cũng không đủ và không phù hợp để giúp các bạn thay đổi được suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực. Việc tiếp xúc với game, phim bạo lực, tham gia vào các nhóm bạn xấu sẽ khiến ý nghĩ trả thù, làm hại người khác được dung dưỡng và cuối cùng trở thành hành vi giết người thật. 

- Có cách nào ngăn chặn những tội ác này không? Thưa thạc sĩ?

Nếu trẻ được sống trong môi trường yêu thương, tôn trọng thì trẻ sẽ học được cách yêu thương, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Ngược lại, ngay từ khi còn ở trong gia đình, trẻ đã không cảm nhận sự yêu thương, tôn trọng, trẻ cảm thấy mình không có giá trị thì với bản thân và với người khác, trẻ cũng sẽ sẵn sàng làm họ bị tổn thương nếu như ai đó khiến trẻ thấy không thoải mái.

Chính vì vậy, việc trang bị hệ thống giá trị, cho trẻ một tâm hồn, một cái tâm hướng đến cái thiện, cái đẹp, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về gia đình. Khi trẻ đã có một nền tảng chuẩn do gia đình trang bị thì khi ra bên ngoài, tiếp xúc với môi trường bên ngoài gia đình, trẻ sẽ tự tin và miễn nhiễm đối với cái xấu.

Với cái ác, muốn ngăn ngừa sẽ phải bắt đầu từ phía gia đình. Một gia đình có bầu không khí tốt, có truyền thống sẽ khiến cho trẻ dù đi đâu, làm gì cũng sẽ cảm thấy được yêu thương, sẻ chia và luôn có hành xử đúng đắn dù gặp phải tình huống khó khăn nào. Môi trường sống bên ngoài gia đình tích cực sẽ là nguồn động lực, động viên cho cái thiện, cái tích cực của trẻ có cơ hội được thể hiện và phát huy. Để làm được điều này thì xã hội phải cùng bắt tay nhau, rõ ràng và không khoan nhượng với cái xấu, cái chưa phù hợp.

- Xin cảm ơn Thạc sĩ về cuộc trao đổi!


Bùi Ngà - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc