Lỏng lẻo cấp phép chữa bệnh cho người nước ngoài

08:02, 20/07/2012
|

(VnMedia) - Mặc dù luật quy định khá chặt chẽ, song trên thực tế việc cấp phép và quản lý hành nghề đối với người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh tại nước ta còn lỏng lẻo...

Trước đây, theo quy định tại Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài cũng như cấp giấy phép làm công việc chuyên môn tại các phòng khám cho người nước ngoài hành nghề tại địa phương. Từ khi thực hiện Luật Khám - Chữa bệnh, trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa 
Khó quản lý người nước ngoài hành nghề. Ảnh minh họa


Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài

Theo quy định của Luật Khám – Chữa bệnh, người nước ngoài phải được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tham gia khám chữa bệnh tại Việt Nam. Cụ thể:

Người nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; Giấy chứng nhận là lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, người nước ngoài phải không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.)

- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh. Tức là người nước ngoài, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch. Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

Khi xét thấy có đủ điều kiện để xin cấp chứng chỉ hành nghề, người nước ngoài sẽ phải chuần bị hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo khoản 2, Điều 27, Luật Khám – Chữa bệnh, bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; Bảo sao văn bằng chuyên môn; Văn bản xác nhận quá trình thực hành; Văn bản xác nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc hồ sơ của người phiên; Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp; Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.

Sau đấy, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của người nước ngoài phải nộp được cho Bộ Y tế. Hồ sơ của người nước ngoài sẽ được Bộ Y tế thẩm định. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế phải cấp chứng chỉ hành nghề. trường hợp cần xác minh đối với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 180 ngày; nếu không cấp chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.

Cấp phép, quản lý người nước ngoài hành nghề lỏng lẻo

Mặc dù Luật quy định chặt chẽ là vậy, song trên thực tế việc cấp phép và quản lý hành nghề đối với người nước tham gia khám chữa bệnh tại nước ta còn lỏng lẻo.

Là thành viên của Hội đồng thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ đông y Trung Quốc, trả lời một tờ báo mạng, ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết: “Họ chỉ cần mang bằng cấp, giấy tờ được phô tô đến lãnh sự quán của ta ở Quảng Tây để hợp pháp hóa là được. Trong khi đó, lãnh sự quán cũng không thể thẩm định giấy tờ họ mang đến là thật hay giả, ngành y tế của ta cũng không thẩm định được giấy tờ vì tất cả đều là bản phô tô”.

Ngoài chuyện bằng cấp, ông Hướng cho rằng chúng ta không thông qua Bộ Ngoại giao để thẩm định nhân thân của những người này, do đó không thể biết thực sự họ có nhu cầu và đủ trình độ sang Việt Nam chữa bệnh hay không.

Mặt khác, theo quy định, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, hành nghề chuyên môn phải làm thủ tục, đăng ký theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua việc quản lý người nước ngoài hành nghề y tại nước ta là rất khó. Trao đổi với VnMedia, một cán bộ Cục Quản lý Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, có trường hợp người nước ngoài sang Việt Nam, sau đó đến các phòng khám tham gia chữa bệnh dăm ba ngày rồi về nước. Đối với những trường hợp này, ngành y tế không quản nổi.

Trao đổi với bảo chí, người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho  biết: Tình trạng người nước ngoài không có phép khám bệnh tại các phòng khám hiện nay quả rất khó kiểm soát, vì sau khi Sở đến kiểm tra, họ lại đưa người vào khám. Vì thế, quan trọng là trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp trong việc sử dụng người phải đủ điều kiện theo Luật và phụ trách chuyên môn kỹ thuật phải kiên quyết từ chối những người không đủ điều kiện.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết năm 2011 có 67 thầy thuốc đông y đến Việt Nam hành nghề, trong đó có 1 người quốc tịch Canada, 2 người Hàn Quốc, 1 người Pháp, số còn lại là quốc tịch Trung Quốc. Số thầy thuốc này đang hoạt động tại 17 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội có trên 20 người, TPHCM có trên 15 người. Trong năm 2011, hầu như Bộ Y tế không cấp chứng chỉ hành nghề vì chờ thực hiện Luật Khám - Chữa bệnh.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc