Giới trẻ đô thị và "mốt" mang vũ khí theo người

07:37, 02/07/2012
|

(VnMedia) - Hầu như đêm nào qua tuần tra, kiểm soát, lực lưỡng cảnh sát cơ động cũng phát hiện từ 3 đến 5 vụ tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, vũ khí tự tạo và công cụ hỗ trợ. Rõ ràng, đây là hiện tượng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay.

Ảnh minh họa
Mỗi năm phát hiện hàng ngàn đối tượng tàng trữ vũ khí thô sơ trái phép 



Mang vũ khí ra đường làm gì?

Theo thống kê của Trung đoàn CSCĐ - Công an TP Hà Nội mỗi năm phát hiện hàng ngàn đối tượng tàng trữ vũ khí thô sơ trái phép, thu giữ vài trăm dao, kiếm, mác các loại.

Một câu hỏi đặt ra, đối tượng nào thường sử dụng vũ khí? Trước hết, phải khẳng định đó là những người không hiền lành, lương thiện. Bởi nếu là người lương thiện thì không thể sắm dao, kiếm, hay súng để phòng vệ...

Theo cơ quan công an, đối tượng sử dụng vũ khí toàn là đám thanh niên côn đồ, ăn chơi, đua đòi... Các thanh niên này khi mang theo hung khí, gặp những va chạm nhỏ trên đường, hoặc đôi khi chỉ là cái nhìn bị coi là "nhìn đểu", lập tức dùng vũ khí mang để gây thương tích hoặc cướp đi mạng sống của người khác một cách manh động, không đáng có. Có nhiều đối tượng khi bị phát hiện còn dùng vũ khí liều lĩnh tấn công lực lượng cảnh sát…

Hầu hết các đối tượng khi bị phát hiện mang vũ khí theo người đều đưa ra lý do là để "phòng thân". Đây là lý do không có cơ sở, vì nếu ai ra đường cũng mang theo hung khí để phòng thân, giải quyết mâu thuẫn bằng dao kiếm… thì xã hội sẽ mang đậm sắc màu bạo lực, không còn kỷ cương pháp luật.

Không những thế, các đối tượng còn hình thành băng nhóm, chúng gom lại rất nhiều dao, kiếm, hung khí tự chế để khi có việc là mang ra phân phát cho nhau đi… chiến. Băng nhóm nào muốn "nổi" thì phải có nhiều vũ khí và càng lạ càng có giá…

Luật còn kẽ hở và chưa đủ tính răn đe

Trước mức độ nguy hiểm của việc đem theo vũ khí như vậy, song khi phát hiện được đối tượng mang vũ khí rất nhiều trường hợp cũng chỉ tạm giữ, tịch thu tang vật rồi... cho về mà không xử lý được cả về mặt xử phạt hành chính, vì không chứng minh được đối tượng mang theo vũ khí với mục đích gì? Đây chính là hạn chế trong việc ngăn chặn tình trạng thanh niên tàng trữ, sử dụng vũ khí.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tại Nghị định này, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hằng ngày thì mức phạt đã tăng lên từ 2 đến 5 triệu đồng. Song phải chứng minh đối tượng mang theo các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ nêu trên nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác.

Với quy định như vậy, thì những trường hợp thanh niên mang theo vũ khí trong người để "phòng thân" là "không bị xử lý". Phải chăng quy định như vậy luật chưa đủ tính răn đe đối với những trường hợp tàng trữ, sử dụng vũ khí…

Ngoài ra, Điều 230 Bộ luật Hình sự cũng chỉ quy định phải chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật thì mới bị xử lý hình sự. Song trong thực tế, tội phạm hình sự đang sử dụng rất nhiều súng tự tạo (súng bắn đạn ghém, súng col quay...) và các loại hung khí khác như dao, kiếm, đao, dáo, mác... vào việc gây án giết người, cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, khi bị bắt giữ về việc tàng trữ, mua bán thì chỉ bị xử lý hành chính. Đây là kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để tàng trữ và sử dụng các vũ khí, công cụ hỗ trợ … 

Có thể nói, muốn phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng thanh niên tàng trữ, sử dụng vũ khí chỉ có thể là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội. Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc trang bị kiến thức pháp luật, từ đó giúp com em mình thấy được điều đáng làm, điều không nên làm. Mặt khác, chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần nhận thức rõ những hậu quả khôn lường đi kèm với những hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ của mình... và từ đó biết kiềm chế bản thân không gây nên những điều đáng tiếc có hại cho bản thân và cho xã hội.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc