(VnMedia)- Theo cơ quan điều tra, hiện chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống, là các "anh chị" 9x sẵn sàng dùng vũ khí tự chế để… giải quyết. Vì sao giới trẻ tự cho mình quyền tung tác như vậy?
>> 9x ra đường là phải có... súng và hung khí
>> Giới trẻ đô thị và "mốt" mang vũ khí theo người
Cậy vũ khí, sẵn sàng chém giết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ!
Tháng 6/2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng vũ khí đang được sử dụng tràn lan. Theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội, sau những vụ kiểm tra của công an Hà Nội, cả xã hội bất ngờ và giật mình về tình trạng mang hung khí, vũ khí của một bộ phận thanh niên và các em sẵn sàng mang ra sử dụng chém giết có khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ. "Chúng ta không thể không bất an về vấn đề này", đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Ở thời điểm đó, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình trạng mang hung khí của trẻ em và người chưa thành niên đúng là vấn đề rất nhức nhối. "Chính vì lẽ đó, trong thời gian vừa qua lực lượng công an chúng tôi đã tăng cường công tác vừa là phòng ngừa vừa chú trọng các biện pháp công tác nghiệp vụ để phát hiện, thu giữ những hung khí mà một bộ phận thanh thiếu niên đang tàng trữ, một phần do mua từ nước ngoài, nhập từ nước ngoài vào những đồ chơi bạo lực. Những hung khí này có thể gây chết người, gây sát thương nhưng trẻ em đang tàng trữ cái này".
Số vũ khí lực lượng chức năng thu giữ được trong một vụ án. |
Người đứng đầu ngành công an cũng cho biết, "một mặt chúng tôi phát hiện, thu giữ, ngay cả tuần tra, kiểm soát hỗn hợp ở các thành phố như cảnh sát giao thông, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát bảo vệ tuần tra để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời kết hợp khi phát hiện những thanh, thiếu niên hư, có biểu hiện tàng trữ hung khí thì cũng kiểm tra, kiểm soát. Trong cốp xe máy của các cháu có hung khí thì thu giữ, không để các cháu sử dụng vào mục đích phạm tội".
Bộ trưởng cũng cho rằng, về các vụ việc vị thành niên phạm tội trong các vụ án đặc biệt, chúng tôi coi đây là vấn đề nhức nhối do chúng ta buông lỏng quản lý, giáo dục đối với các cháu cho nên các cháu ăn chơi, đua đòi dẫn đến con đường phạm tội. Chính vì thế, muốn giải quyết bức xúc này với tư cách là Bộ trưởng Bộ công an chúng tôi mong rằng toàn xã hội chúng ta từng gia đình và nhà trường cùng đồng tâm hiệp lực để tăng cường công tác quản lý giáo dục thanh thiếu niên ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, đặc biệt phạm tội nghiêm trọng như vụ việc vừa qua công luận đã nêu lên để góp phần giữ bình yên của xã hội nói chung, ngăn ngừa những tội phạm vị thành niên con em chúng ta phạm tội.
Nhưng, ngoài việc buông lỏng quản lý, còn lý do nào khiến các đối tượng "thích" dùng hung khí như vậy?
Quản lý vũ khí liệu có buông lỏng?
Thiếu tướng, TS Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết: Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành ngày 30/6/2011 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Để thi hành Pháp lệnh này, ngày 5/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25 và 26; Bộ Công an cũng đã ban hành 03 Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh và các Nghị định trên.
Theo quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì vũ khí, công cụ hỗ trợ chỉ trang bị cho các cơ quan, tổ chức, như: Điều 13 (trang bị vũ khí quân dụng), Điều 17 (trang bị vũ khí thể thao), Điều 23 (trang bị vũ khí thô sơ). Đối tượng được phép trang bị công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 19 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ.
Tại Điều 5 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí.
Với các quy định trên thì cá nhân công dân không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Do đó công dân có vũ khí, công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn gốc nào đều không được quản lý hoặc sử dụng mà phải giao nộp cho các cơ quan chức năng theo quy định.
Số vũ khí thu được khi kiểm tra hành chính bất chợt trên một chiếc xe ô tô. |
Tuy nhiên xuất phát từ thực tiễn, Pháp lệnh cũng cho phép một số trường hợp tổ chức, cá nhân (mặc dù không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ) nhưng được phép quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ và phải trình báo với cơ quan chức năng. Nội dung này đã được quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Nghị định số 25/2012/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: Vũ khí thô sơ là hiện vật trong bảo tàng, được sử dụng làm đạo cụ làm phim, biểu diễn nghệ thuật, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn và chỉ được phép trưng bày, triển lãm, biểu diễn, thờ cúng hoặc sử dụng trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc.
Thiếu tướng Đồng Đại Lộc cũng cho biết, để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, công dân trong việc giao nộp vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thuận tiện, tại Điều 8 Nghị định số 26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ quy định: Cơ quan Quân sự, Công an, ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên có trách nhiệm tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy cơ quan, tổ chức và công dân có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì giao nộp cho cơ quan Quân sự hoặc Công an hoặc ủy ban nhân dân các cấp. Tại Điều 16 của Nghị định số 26/2012/NĐ-CP cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đều được khuyến khích và không bị coi là vi phạm.
Ý kiến bạn đọc