Nghịch lý cảnh sát giao thông "giơ đầu chịu báng"

06:57, 11/06/2012
|

(VnMedia)- Được đào tạo nghiệp vụ và trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp tội phạm, nhưng một số cảnh sát giao thông lại "tình nguyện" để người dân tấn công mà không có bất cứ phản ứng nào.

Tấn công cảnh sát giao thông như trong phim!

Ngày 7/6, trên Youtube xuất hiện đoạn clip dài khoảng 2 phút ghi lại cảnh 1 nam thanh niên ngoài 20 tuổi đi xe máy đầu trần, không đội mũ bảo hiểm khi bị dừng xe đã gân cổ cãi, rồi hung hãn cầm vỏ chai bia đập vỡ và đoạn dây xích sắt liên tục tấn công 2 cảnh sát giao thông (CSGT).
 
Clip làm dư luận xôn xao trên bắt đầu bằng cảnh 1 thanh niên mặc quần jean, áo sơ mi nửa trước mầu đỏ mận nửa sau màu đen, 2 tay cầm 2 vỏ chai bia đập vỡ, đứng bên xe máy biển kiểm soát 12-F4 6085, đứng giữa đường, giơ tay cầm vỏ chai bai vào mặt 2 CSGT liên tục thách thức: “Vào đi!”. 

Ảnh minh họa

Người thanh niên này ngang nhiên dùng gậy sắt tấn công cảnh sát giao thông giữa ban ngày. Ảnh chụp từ clip.


Đoạn clip cũng thể hiện, có hàng chục người chứng kiến nhưng không ai can thiệp, trợ giúp 2 CSGT. Những người này chỉ đứng ngoài nói rằng: “Chỉ có xích tay nó, đè nó xuống may ra “ăn” được!”. Có người nói: “Hai người (CSGT – PV) chắc không dám xích nó (người vi phạm giao thông – PV)”.  

Sau khi clip này được tung lên mạng, được biết Công an huyện Cao Lộc - Công an tỉnh Lạng Sơn đã xác nhận clip trên quay tại địa phương. Người thanh niên vi phạm giao thông còn hung hãn chống đối lại CSGT sau đó đã bị Cơ quan điều tra Công an huyện Cao Lộc đã ra lệnh bắt khẩn cấp và khởi tố hình sự về tội chống người thi hành công vụ trong ngày 8/6.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên CSGT đứng yên để người dân tấn công.

Gần đây nhất, vào khoảng 9h sáng ngày 7/6/2012 tại nút giao thông ngã tư cầu Đền Lừ - Tam Trinh (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), cũng đã xảy ra vụ hai bố con giám đốc đánh cảnh sát giao thông phải nhập viện. Ngày 8/6, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Xuân Hiền (SN 1958) và Vũ Xuân Hùng (SN 1993) cùng trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, hai bố con giám đốc đánh người về tội chống người thi hành công vụ.

Ảnh minh họa

Cô sinh viên này đã giơ tay đấm cảnh sát cơ động chảy máu mồm.


Trước đó, khoảng 0h30’ ngày 7/5/2012, tại ngã ba đường Trương Định – Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một cô gái đã tát chảy máu mồm một cảnh sát cơ động thuộc tổ tuần tra Đại đội 1 – Trung đoàn CSCĐ, Công an Hà Nội. Điều khiến dư luận sau đó bị sốc hơn cả là việc cô gái đấm cảnh sát khai là Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1990, hiện là SV Đại học Thăng Long) và nam thanh niên là Trần Đức Thành (SN 1987, hiện là SV Đại học Mở)...

Và đây cũng chỉ là vài vụ chống đối xảy ra trong thời gian ngắn gần đây..

Vì sao CSGT tình nguyện bị đánh?

Sau mỗi vụ người vi phạm hung hãn chống lại người thi hành công vụ, điều khiến dư luận khó hiểu nhất là vì sao, các chiến sỹ CSGT, lực lượng chức năng, những người được được đào tạo nghiệp vụ và trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp tội phạm lại bị đánh dễ dàng như vậy?

Trên một số diễn đàn, khi xem clip thanh niên tả xung, hữu đột dọa đánh hai CSGT, một bạn đọc đã phải thốt lên: Tên thanh niên này to gan quá! 2 cảnh sát giao thông không thèm mạnh tay ấy thôi, đâu phải là không khuất phục được hắn!

Một bạn đọc khác bày tỏ quan điểm: Khi tên "quái xế" vi phạm ATGT này manh động dùng hung khí là chiếc chai sau đó là dây xích chống người thi hành công vụ, nhưng không hiểu vì sao cả 2 CSGT không dùng công cụ hỗ trợ để trấn áp? Trên hình ảnh clip là anh CSGT lại chạy đi tìm kiếm "chiếc gậy" để chống lại và cuối cùng lại né để tên quái xế này... chạy thoát...

Một bạn đọc khác cho rằng: Xem clip, thấy 2 đồng chí có rất nhiều cơ hội để triệt hạ tên này, chẳng hạn ở giây 01:18 tên này loay hoay điều khiển xe thì 2 đồng chí 1 đứng trước 1 đứng sau, chỉ cần dùng cây gậy đang cầm trong tay đập thẳng vào cổ tay đang cầm chai thủy tinh vỡ, còn đồng chí phía sau có thể hỗ trợ đạp ngã tên này, cây gậy đó mà phang thẳng vô mấy ngón tay thì chỉ có ôm mặt mà khóc ..(!)

Trong những tình huống cảnh sát bị hành hung, bạn đọc đều cho rằng, cần nghiêm trị những hành vi chống đối để không tái phạm.

Chia sẻ với VnMedia, về tình huống nữ sinh đánh rách môi cảnh sát, bạn nhuanhdung@gmail.com: Đề nghị phải xử nghiêm những kẻ gây rối không chấp hành luật mà đây còn là sinh viên.

Bạn xuanvu2012@gmail.com: Không thể tha thứ cho hành động trên. Trường hợp này nếu có "bảo lãnh" thì thật sự phải xem lại pháp luật...

Dư luận thì bức xúc, còn CSGT vì sao không mạnh tay với những trường hợp này?

Ảnh minh họa

Còn đây là cảnh một cảnh sát giao thông bị tát tới tấp giữa phố đông người.

Theo quy định, khi thi hành nhiệm vụ mà các đối tượng có hành vi chống đối thì lực lượng thực thi nhiệm vụ có quyền trấn áp bằng các công cụ hỗ trợ được trang bị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc người dân chống đối người thi hành công vụ cũng vì những thái độ chưa phù hợp của người thực hiện hành vi công.

Bên cạnh đó, theo như phân tích của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc Công an Hà Nội, những người chống người thi hành công vụ là những người không sợ ai. Rất có thể vì lý do này, mà những CSGT khi bị tấn công thường không có biện pháp mạnh trở lại, để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.

Mặt khác, theo điều 257 Bộ luật hình sự quy định về “tội chống người thi hành công vụ”, khởi điểm của khung hình phạt chỉ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng. Ngay cả trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất cũng chỉ 2 năm và cao nhất là 7 năm.

Trong thực tế, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính.

Đó là chưa kể quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung vẫn còn chưa đầy đủ, chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, hạn chế khả năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.

Trong khi chưa thay đổi chế tài xử phạt, để bảo vệ mình và hạn chế tội phạm chống người thi hành công vụ, đặc biệt là CSGT và đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi pháp luật, Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Luật Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, ngành đã tập huấn cho mỗi cán bộ, chiến sỹ nắm vững chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng quy định, CSGT phải đảm bảo được đội hình, hỗ trợ cho nhau. Lực lượng CSGT phải chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ chống lại người thi hành công vụ.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc