MTTQ VN kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992:: Cần soạn thảo một đạo luật riêng về Đảng

05:37, 30/06/2012
|

(VnMedia)- Một trong những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 của Mặt trận tổ quốc Việt Nam là soạn thảo một đạo luật riêng về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Tại Hội nghị lần thứ 9  Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã nêu một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 của Mặt trận. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc MTTQ Việt Nam kiến nghị nên có một đạo luật riêng về Đảng.
 
Luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng
 
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, Hiến pháp sửa đổi tới đây phải đảm bảo các quy định về Mặt trận trong điều kiện duy nhất một Đảng lãnh đạo, MTTQ VN không chỉ động viên tinh thần yêu nước, nhiệt tình lao động của toàn dân cho công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..., mà phải thể hiện được vai trò tham chính và phản biện xã hội, nhằm bảo đảm cho sự lãnh đạo và điều hành đất nước tránh những sai lầm, khuyết điểm do tệ quan liêu, chủ quan duy ý chí gây nên.   
 

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 9, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã trình bày những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Liên quan đến vấn đề thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, đại diện MTTQ Việt Nam cho rằng,  vai trò lãnh đạo của Đảng lần đầu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 (sau 50 năm thành lập). Từ đó đến Hiến pháp năm 1992, sau 62 năm Đảng ta ra đời và trưởng thành, quá trình đó tuy chưa luật hoá, nhưng thực tế cuộc sống đã khẳng định vai trò không thể phủ nhận của Đảng cộng sản Việt Nam.
 
Tại Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng mới khẳng định được hai vấn đề: Đảng là ai, giữ vai trò gì trong xã hội và quy định rõ Đảng hoạt động trong khuôn khổ nào. Tuy nhiên, điều 4 lại chưa làm rõ hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội, chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước; quan hệ giữa Đảng với nhân dân; về trách nhiệm của Đảng đối với sự phát triển của xã hội.
 
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, cũng tại Điều 4 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân” là chưa đầy đủ. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận.
 
Đại diện của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh,  khổ 1 của Điều 4 cần được sửa lại là: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…, theo chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
 
Bên cạnh đó, không chỉ mọi tổ chức của Đảng cần hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật mà điều quan trọng là mọi đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, MTTQ Việt Nam kiến nghị khổ 2 Điều 4 cần được sửa lại là: “Mọi tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Từ những phân tích nêu trên, để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, tránh lạm quyền và ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Đảng, cần đề cập đến vị trí, vai trò của Đảng như thế nào trong Hiến pháp, MTTQ Việt Nam đề xuất hai phương án sửa đổi:
 
Phương án 1: Đưa vào lời nói đầu của Hiến pháp nội dung như Điều 4 của Hiến pháp hiện hành và bổ sung thêm 1 chương riêng về Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Phương án 2: Giữ Điều 4 như hiện hành, đồng thời soạn thảo một đạo luật riêng về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
 
Quy định rõ về quyền bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết
 
Trong phần kiến nghị sửa đổi quy định trong Hiến pháp thể hiện quyền làm chủ thuộc về nhân dân và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, Mặt trận cho rằng, cách thể hiện các quyền con người, đồng thời là các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện sâu sắc và đầy đủ quan niệm các quyền cơ bản của công dân là các quyền con người vốn có của họ. Công dân là chủ thể mang quyền và hưởng quyền chứ không phải là chủ thể nhận quyền từ nhà nước.
 
Bên cạnh đó, liên quan đến tư tưởng xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trong chương Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Mật trận cũng kiến nghị sửa đổi quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với 3 vấn đề cơ bản, gồm bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết như Hiến pháp năm 1946 đã quy định thành một mục, gồm một số điều trong chương 2 về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.
 
Theo đó, về bầu cử, ngoài quy định chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín, cần quy định thêm để bầu cử thực sự là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn bó chặt chẽ trách nhiệm qua lại giữa cử tri và người được bầu.
 
Về bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra là một quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm thì quyền bầu cử mang tính hình thức. Hiến pháp cũng như các luật của nước ta chưa coi trọng quyền này nên không quy định thành quyền và cơ chế thực hiện quyền này. Do đó, nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” vẫn còn là nguyên tắc hình thức;
 
Theo ông Vũ Trọng Kim, phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng Hiến pháp năm 1992 chưa quy định điều này. Vì vậy, Mặt trận kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này, trên cơ sở xác định những quan điểm cơ bản, những vấn đề mang tính tầm nhìn, sau đó là những vấn đề mang tính thể chế, tính quy phạm cụ thể, nhằm đảm bảo chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân.
 
Đề xuất nghiên cứu cơ chế giám sát bảo vệ Hiến pháp

Dẫn lời Đoàn Chủ tịch, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, bảo vệ Hiến pháp không chỉ đối với hoạt động hành pháp hay tư pháp như hiện tại ta đang hướng tập trung vào mà phải cả trên phương diện hoạt động lập pháp hay nói rộng ra, toàn bộ hoạt động nhà nước đều phải được thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp. Theo tinh thần đó, toàn bộ hoạt động của Quốc hội, mà trước hết là hoạt động lập pháp, từ trước đến nay có nguy cơ vi hiến cao, nhưng chưa được xếp vào đối tượng giám sát của cơ quan nào mà do Quốc hội tự giám sát, cũng phải là đối tượng của giám sát Hiến pháp.
 
Tuy nhiên, cơ chế giám sát tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở nước ta nếu xét trên bình diện bảo hiến còn có một số bất cập, như: cơ chế giám sát qua nhiều chủ thể và nhiều tầng nấc làm hạn chế vai trò giám sát tối cao của Quốc hôi, đồng thời làm hạn chế, giảm đi tính tối cao, tính hiệu lực của hoạt động đó; chưa phân biệt giám sát Hiến pháp với các loại giám sát khác, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó có giám sát Hiến pháp và phán quyết vi phạm Hiến pháp hiện hành ở nước ta còn bỏ sót Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và kiểm toán nhà nước chưa có có ai thực hành kiểm soát việc tuân thủ Hiến pháp, đặc biệt là tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động lập pháp. Đây là lổ hổng trong cơ chế bảo hiến hiện hành và không phù hợp với bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
 
Chính vì vậy, Mặt trận cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu và đề cập đến trong lần sửa đổi Hiến pháp này.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc