(VnMedia) - Mức thu giữa các văn phòng công chứng tư khá chênh lệch. Điều đó thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng tư. Người dân phải tự tìm hiểu mức chi phí để lựa chọn, tránh bị “hớ”...
Theo Luật Công chứng, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng được. Tuy nhiên, mức chi phí công chứng tại các văn phòng công chứng tư đang mạnh ai người ấy thu..
|
Lệ phí công chứng: Mỗi nơi một giá
Ngoài việc áp dụng thu phí công chứng theo mức thu quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP, văn phòng công chứng còn được thỏa thuận thu thêm phí dịch vụ ngoài hợp đồng đối với khách hàng. Kiểu thỏa thuận này khiến mỗi nơi một khác và người chịu thua thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.
Chiều thứ 7, trong vai người muốn công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có nhu cầu công chứng tại nhà, chúng tôi đã liên lạc với một số văn phòng công chứng để hỏi về chi phí công chứng ngoài trụ sở. Đầu tiên, chúng tôi liên hệ một văn phòng công chứng Đại Việt, ở phố Kim Mã. Khi chúng tôi cho biết địa chỉ nhà ở gần Ngã Tư Sở, cán bộ ở đây cho biết chi phí công chứng tại nhà là 800.000 đồng.
Tưởng đắt, chúng tôi liên hệ với văn phòng công chứng Hồng Hà, ở đường Huỳnh Thúc Kháng, gần khu vực Ngã Tư Sở hơn để so sánh. Cán bộ ở đây nói nếu họ đến nhà thì chỉ riêng chi phí công chứng tại nhà là 650.000 đồng. Ngoài ra, công chứng ngoài giờ (văn phòng quy định chiều thứ 7 là ngoài giờ - người cán bộ nói) là 350.000 đồng và phí soạn thảo, đánh máy hồ sơ là 400.000 đồng nữa, tổng cộng 1,4 triệu đồng. Như vậy là giá nơi đây cao gần gấp đôi nơi đầu tiên.
Thử liên hệ một vài văn phòng công chứng ở quận Cầu Giấy và quận Hoàn Kiếm thì giá mỗi nơi mỗi khác, từ 1,1 triệu đến 2 triệu đồng. Bán kính càng xa văn phòng công chứng thì chi phí công chứng tại nhà càng cao…
Trên thực tế, người dân đến các văn phòng công chứng là nhằm không muốn tốn công chờ. Thế nhưng, lợi dụng tậm lý này các văn phòng công chứng tư đã tung giá “trên trời” với các “thượng đế”. Chị Lê Phan Thủy, ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết vì chuẩn bị cho chuyến đi công tác nước ngoài mà cần phải dịch thuật và công chứng sơ yếu lý lịch và quyết định đi công tác. Chị tìm đến một một văn phòng công chứng ở quận Hai Bà Trưng và cán bộ ở đây báo giá công chứng và dịch thuật tài liệu của chị là 800.000 đồng/8 trang. Nếu muốn lấy trong ngày thì phí là gấp đôi.
Anh Nguyễn Văn Lực, ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, kể: "Mới đây, tôi có đến văn phòng công chứng tư đề nghị đến nhà công chứng một hợp đồng đơn giản, có giá trị 300 triệu đồng, có đầy đủ giấy tờ thủ tục. Nhưng khi đến làm việc, họ đòi thêm phí dịch vụ làm ngoài 450.000 đồng và phí dịch vụ công chứng ngoài trụ sở 750.000 đồng, tổng cộng là 1,2 triệu. Trong khi lệ phí công chứng chỉ 300.000 đồng. Giá như vậy là quá cao!".
Hầu hết các giao dịch ngoài giờ đều do các nhân viên các văn phòng công chứng tư nhân thực hiện. Sau khi làm các thủ tục, các nhân viên này sẽ có nhiệm vụ đem những văn bản này về để các công chứng viên… ký và đóng dấu. Mỗi công chứng viên sẽ kiểm tra lại thông tin mà nhân viên mình đem về. Và như vậy, bên cạnh… niềm tin đối với nhân viên, họ còn trông cậy vào sự… thật thà của hai bên giao dịch.
Chị Nguyễn Thị Phương ở 17/183 phố Hoàng Văn Thái bức xúc: “Tôi đến một văn phòng công chứng tư để làm thủ tục công chứng vay tiền mà phải đóng phí công chứng tới triệu rưỡi. Cô thu ngân nói tiền này là tiền mà phòng công chứng được thu, Nhà nước quy định rồi. Thu xong, đưa tôi mỗi tờ hóa đơn mà chả có chữ ký thủ trưởng, thủ quỹ hay tên đơn vị…”.
|
Người dân phải biết tự lựa chọn để tránh bị “hớ”
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết, hiện có tình trạng phòng công chứng tư thu phí gấp nhiều lần nhà nước với những dịch vụ làm nhanh, dịch vụ làm ngoài giờ, công chứng tại nhà.. Không những thế, có những phòng công chứng tư còn giảm giá dịch vụ thu phí để nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các phòng công chứng khác.
Bày tỏ về điều này, một trưởng phòng công chứng tư cho rằng, nếu thù lao công chứng và các chi phí khác được quy định thống nhất cho các tổ chức hành nghề công chứng thì thuận tiện hơn cho người dân. Nếu không quy định một mức thu thống nhất thì ít nhất cũng nên đặt ra mức trần. “Quy định như vậy để tránh các văn phòng công chứng cạnh tranh về giá” - vị này nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu làm như vậy là trái với Luật Công chứng. Luật được xây dựng theo hướng mở: Nhà nước chỉ quy định mức phí công chứng, còn các loại chi phí, thù lao thì không can thiệp. Do vậy, nếu các văn phòng công chứng đưa ra mức thu quá cao thì khách hàng sẽ tự bỏ đi nơi khác.
Vì vậy, khi có nhu cầu công chứng tại văn phòng công chứng tư, hay yêu cầu công chứng tại nhà, chính mỗi người dân phải tự tìm hiểu mức chi phí để lựa chọn, tránh bị “hớ”.
Cần giải pháp mạnh để công chứng tư hoạt động hiệu quả
Với chủ trương xã hội hóa công chứng, hoạt động công chứng tại Hà Nội đã từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại.
Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, hiện nay xảy ra tình trạng một số văn phòng công chứng tư công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: ủy quyền bán một tài sản cho nhiều người, công chứng hợp đồng giao dịch khi chưa có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thậm chí bớt đi một số giấy tờ và thủ tục cần thiết để thu hút khách hàng dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.… Đây chính là những vấn đề đang tồn tại của hoạt động công chứng.
Vì vậy, theo luật sư Phạm Chí Công, Giám đốc công ty luật Khai Phong, Đoàn luật sư Hải Dương, ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức hành nghề vi phạm, cần sửa đổi, bổ sung thay thế Nghị định số 60/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tư pháp bởi một số mức phạt trong lĩnh vực này còn thiếu và thấp, chưa đủ sức răn đe.
Mặt khác, Luật sư Công cho biết, việc hạn chế thành lập văn phòng công chứng tư trong thời điểm hiện nay đã dẫn đến hiện tượng “độc quyền” của các phòng công chứng: thiếu sự cạnh tranh, lệ phí công chứng tư còn cao…
“Nhà nước cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm cho các văn phòng công chứng tư hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, tạo sự yên tâm, tin cậy cho người dân”, luật sư Công nói.
Ý kiến bạn đọc