Hàng trăm tử tù đang chờ vào... nhà tử hình

06:34, 20/06/2012
|

(VnMedia)- Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang cho biết, tất cả những điều kiện để thực hiện thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đã sẵn sàng. Tuy nhiên, hiện vẫn phải chờ Bộ Y tế nhập thuốc về để thi hành án.

Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực gần 1 năm nay, nhưng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc chưa được thực hiện gây bất an cho các tử tù và gia đình họ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết,
Bộ Công an đã trình Chính phủ xây dựng Nghị định, trình Chính phủ đề án xây dựng cơ sở thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc.

"Hiện nay đã xây dựng trung tâm ở 5 khu vực, do kinh phí có hạn nên chưa thể làm ngay một lúc được. Chúng tôi đã tập huấn cho cán bộ thi hành án ở công an 63 tỉnh thành và cán bộ thi hành án trong quân đội, khoảng gần 500 cán bộ thi hành án nhiệm vụ này và tất cả những điều kiện chuẩn bị thực hiện hình thức tiêm thuốc độc đã sẵn sàng, còn phải chờ chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế nhập loại thuốc này để thi hành án", ông Quang nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, trong lúc chờ loại thuốc này, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nếu cần thiết sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước nhằm phục vụ kịp thời cho việc thi hành án tử hình.

 Ảnh minh họa

 Giường dành cho việc tiêm thuốc độc. Ảnh: Internet


"Nhân đây tôi xin báo cáo ý tưởng ban đầu của chúng tôi đang muốn hình thành một trung tâm, một trại giam riêng đối với án tử hình để có điều kiện quản lý chứ nếu để rải rác ở các trại tạm giam ở các địa phương thì rất khó khăn cho công tác quản lý vì các đối tượng có án tử hình quậy phá rất ghê gớm", Bộ trưởng nói.

Theo số liệu Bộ Công an công bố, đến thời điểm này đang có khoảng gần 400 tử tù bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc dù quy định đã có hiệu lực gần 1 năm nay.
Theo đánh giá, chưa bao giờ số lượng tử tù cả nước lại tồn đọng lớn như hiện nay. Trong đó có hơn 100 tử tù đã được hoàn tất đầy đủ thủ tục, chỉ ngồi chờ Bộ Y tế nhập thuốc để thi hành án.

Tử hình bằng tiêm thuốc độc là gì?

Thời điểm luật thi hành án hình sự có hiệu lực là ngày 1/7/2011. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Công an đã xin lùi thời hạn áp dụng. Còn t
heo Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 1/11/2011, thuốc tiêm được sử dụng gồm: gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Trước khi bị tiêm thuốc độc bằng máy tự động, tử tù được viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng...

Theo quy định, trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc gồm: giường nằm có các đai cố định người bị thi hành án; ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án và các dụng cụ, trang thiết bị khác.

Thuốc dùng tử hình là một liều thuốc gồm 3 loại: thuốc Sodium thiopental để gây mê; thuốc Pancuronium bromide dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp và cuối cùng là thuốc Potassium chloride dùng để ngừng hoạt động của tim.

 Ảnh minh họa

 Tử tù Vũ Xuân Trường làm thủ tục trước khi ra pháp trường. Ảnh: Nguyễn Như Phong.


Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định với người bị tạm giam.

Việc tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ thực hiện theo quy trình:

Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không cản sự lưu thông máu.

Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện theo các bước: chuẩn bị 3 liều (trong đó có 2 liều dự phòng). Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm, trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch. Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch được xác định cụ thể theo trình tự:

Tiêm 5 grams Sodium thiopental. Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án phải tiến hành kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.

Tiếp theo là tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide.

Cuối cùng là tiêm 100 grams Potassium chloride.

Sau khi tiêm phải kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh để sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện lần thứ hai.

Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết thì Đội trưởng Đội Thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc