Có nên "nhân đạo" với người mua dâm?

19:55, 12/06/2012
|

(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán dâm không bị xem xét xử lý hình sự, và không có quy định nào cho phép công khai danh tính người mua bán dâm nếu chưa được sự đồng ý của đương sự. Quy định này liệu có "nhân đạo" với những người mua, bán dâm?

>> Vì sao các ổ mại dâm nghìn "đô" bị triệt phá ?

>> Lộ danh tính đại gia mua hoa hậu, thì sao?

Sau khi một số đường dây chân dài bán dâm bị bóc gỡ, dư luận chỉ được biết đến tên của những đại gia mua dâm bằng những cái tên viết tắt, không cụ thể. Thậm chí, trong đường dây bán dâm nghìn đô của người mẫu Hồng Hà, tên của vị đại gia trả giá khủng còn không hề được công bố.

Trả lời báo chí, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, chưa công khai danh tính người mua dâm vì... nhân đạo. Liên quan đến vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe, Đoàn Luật sư Hà Nội:

 Ảnh minh họa

 Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe


- Xin luật sư cho biết có nên "nhân đạo" với người mua dâm bằng cách không công bố danh tính, hình ảnh của họ?
 
“Nhân đạo” hay “không nhân đạo” có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy vào tiêu chí đánh giá cũng như tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu cái gọi là “nhân đạo” với người mua dâm mà khiến họ coi thường pháp luật và tiếp tục vi phạm pháp luật thì không nên ban cho họ cái gọi là “nhân đạo” đó.

Nếu ta cho rằng việc không công bố danh tính, hình ảnh của người mua dâm là “nhân đạo” thì cũng có thể là cho là đúng, cũng có thể cho là không đúng. Xét về mục đích giáo dục, giữ gìn hạnh phúc gia đình, tạo cho người mua dâm cơ hội hướng thiện, thì có thể gọi nó là “nhân đạo”. Nhưng xét về góc độ hạn chế, ngăn chặn việc mua dâm thì sự “nhân đạo” đó có thể xem là “không nhân đạo” đối với mục đích ngăn chặn và hạn chế hành vi mua bán dâm.
 
- Theo pháp lệnh phòng chống mại dâm thì không công bố tến tuổi, hình ảnh người mua dâm, mà người mua dâm chỉ bị thông báo về địa phương, cơ quan để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục. Nhưng trên thực tế có rất ít trường hợp người mua dâm bị gửi thông báo về địa phương, cơ quan. Vậy đây có phải là lý do khiến người mua dâm “nhờn” hay không?
 
Chế tài áp dụng với người vi phạm đã được đặt ra mà không được thực hiện đúng sẽ không thể đạt được mục đích răn đe, giáo dục đối với người vi phạm. Chưa nói đến việc danh tính, hình ảnh người mua dâm được công bố, chỉ cần danh tính, tên tuổi của người mua dâm được thông báo về địa phương, cơ quan cũng có thể nói nó khiến cho đa số người sẽ phải cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ lưỡng trước khi có ý định mua dâm. Theo tôi, việc gửi thông tin về người mua dâm về địa phương hoặc cơ quan là biện pháp hạn chế có hiệu quả đối với hành vi mua dâm.

Ở góc độ kinh tế, trong một mối quan hệ có hợp đồng hoặc thoả thuận
sòng phẳng thì hợp đồng ấy có hiệu lực và trách nhiệm là như nhau. Vì vậy, việc pháp luật chỉ có hình phạt nặng đối với người bán dâm mà nhẹ tay với người mua dâm liệu có phù hợp?
 
Đây không thể được coi là quan hệ kinh tế hay quan hệ hợp đồng. Đơn giản bởi lẽ, pháp luật không thừa nhận các thỏa thuận hay quan hệ kinh trái pháp luật.

Việc so sánh hình phạt nặng hay nhẹ giữa hai đối tượng khác nhau có thể coi là khập khiễng. Theo tôi, “nặng” hay “nhẹ” không phải là mấu chốt của vấn đề. Điều mà chúng ta cần quan tâm đó là cân nhắc tới “sự phù hợp” của hình phạt sao cho vừa mang tính chất răn đe, ngăn chặn vừa mang tính chất giáo dục người vi phạm.

Nếu chúng ta muốn ngăn chặn hành vi mua bán dâm, thì nên cân nhắc hình phạt đối với cả hai đối tượng mua và bán sao cho phù hợp vì đây là mối quan hệ tương hỗ. Có cầu ắt có cung. Vì vậy, hình phạt với “người có cầu” cũng nên tương xứng với hình phạt áp dụng với “người cung”.

Xin cảm ơn luật sư! 


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc