Báo chí có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa tội phạm

15:15, 15/06/2012
|

(VnMedia) - "Hệ thống báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Nhiều thông tin sai phạm được báo chí phản ánh, nêu ra đã là cơ sở, điều kiện tốt để cơ quan công an xem xét, xử lý không ít vụ việc, đối tượng sai phạm...".

Đó là nhận xét của Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an trong buổi Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh trế xã hội của đất nước”, diễn ra vào ngày 14/6.

Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội. Có hơn 30 tham luận nêu bật mối quan hệ giữa báo chí với lực lượng công an, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm...

Ảnh minh họa
Báo chí góp phận hạn chế tội phạm 


Báo chí góp phần hạn chế tội phạm...

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ công an cho biết tình hình tội phạm ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện các loại tội phạm mới, nguy hiểm nên sự cộng tác của báo chí với ngành Công an càng trở nên quan trọng và cần thiết. 

Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an đánh giá: "hệ thống báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Nhiều thông tin sai phạm được báo chí phản ánh, nêu ra đã là cơ sở, điều kiện tốt để cơ quan công an xem xét, xử lý không ít vụ việc, đối tượng sai phạm".

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, sự phối hợp giữa lực lượng báo chí và lực lượng an ninh là rất cần thiết, đòi hỏi tính liên tục, chặt chẽ và thường xuyên nhằm chuyển tải thông tin đến người dân một cách chính xác, trung thực...

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát nhấn mạnh, báo chí không chỉ nêu thực trạng tình hình, không chỉ phê phá một chiều mà còn hướng dẫn tổ chức thực tiễn, nêu ra những biện pháp, giải pháp cụ thể để ngăn chặn phòng ngừa tội phạm. Chính những giải pháp, biện pháp đó đã góp phần tích cực trong việc làm chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi, góp phần hạn chế sự gia tăng tội phạm ở nước ta.

Cũng cùng quan điểm trên, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, cho rằng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm thì việc “phòng” đóng vai trò quan trọng nhất, và đây là lĩnh vực mà báo chí đóng vai trò không thể thay thế thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, dễ tiếp thu.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông với lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng công an phải thường xuyên cung cấp tài liệu về phòng chống tội phạm và thông báo tình hình, thủ đoạn của các loại tội phạm, các vụ việc phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội...Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận với hoạt động của cơ quan điều tra một cách kịp thời, chính xác, đồng thời bảo vệ an toàn cho phóng viên tác nghiệp theo quy định của pháp luật...

... Nhưng chưa phát huy tối đa hiệu quả

Báo chí là kênh thông tin quan trọng trong tuyên truyền công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bằng hoạt động tác nghiệp của mình, báo chí phát hiện, phản ánh chính xác về tình hình phức tạp của tội phạm, các vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tại Hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng lực lượng báo chí rất đông đảo, nhưng vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm.

Các đại biểu viện dẫn có những những cơ quan báo chí, những nhà báo còn chạy theo tính thương mại mà xa rời mục đích́, tôn chỉ của tờ báo, gây hậu quả không tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đã quá sa đà vào việc mô tả, minh họa lại hành vi phạm tội, thay vì phân tích nguyên nhân dẫn đến hành động đó. Nhiều báo còn đưa tin, rút tít giật gân câu khách, chạy theo sự tò mò của một bộ phận độc giả, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng; thông tin đến bạn đọc là sự suy diễn, quy kết chủ quan. Điều này làm giảm bớt uy tín báo chí và không phục vụ được gì cho công tác phòng, chống tội phạm.

“Báo chí thông tin như vậy không những không đạt được mục tiêu phòng, chống tội phạm mà lại gây hoang mang, phản cảm trong dư luận. Cách làm báo như vậy là hết sức nguy hiểm”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Thế Kỷ nói.

Đa số đại biểu có mặt tại Hội thảo thống nhất rằng, mỗi cán bộ quản lý báo chí, các phóng viên viết bài và tất cả các nhân sự liên quan trong quy trình hoạt động báo chí đều phải nâng cao phẩm chất và bản lĩnh chính trị; có kiến thức tốt về pháp luật, có phương pháp tiếp cận về công tác phòng chống tội phạm một cách khách quan...

Điều đó cho thấy mỗi phóng viên phải tự trau dồi tính chuyên nghiệp của nhà báo, thể hiện ở những phẩm chất chính trị - xã hội, đạo đức nghề nghiệp, ở phương pháp, cách thức hành nghề một cách khoa học, hiệu quả; ở sự hiểu biết sâu sắc về các mối quan hệ, cơ chế vận hành trong lĩnh vực báo chí; ở sự tinh thông, thuần thục các kỹ năng nghề nghiệp; ở khả năng sử dụng và thích nghi với các loại hình phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc