Phạt nhẹ, bỏ trốn khi đâm người là "đương nhiên"!?

06:53, 09/05/2012
|

(VnMedia)- Việc một số người khi có hành vi vi phạm giao thông, đâm người rồi bỏ trốn mà không dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu phần lớn nguyên nhân là do chế tài xử phạt không đủ mạnh.

Lý do vì sao khi xảy ra tình huống đâm xe trên đường, nhiều lái xe lại chọn cách bỏ trốn? Trong nhiều trường hơp, chính việc bỏ mặc nạn nhân không đưa đi cấp cứu mà hình phạt cho những lái xe này bị tăng nặng lên rất nhiều. Xung quanh vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật  sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe.

PV: Thời gian gần đây có rất nhiều vụ việc người điều khiển giao thông đâm chết người rồi bỏ trốn. Theo ông, vì sao hiện tượng này đang ngày càng phổ biến hơn?

 Ảnh minh họa

Tiến sĩ- Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe.


- Luật sư Vũ Thái Hà: Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu vì sao người điều khiển giao thông khi đâm chết người lại bỏ trốn. Phần lớn các trường hợp đều là do quá sợ hãi và nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bỏ trốn là do một số lái xe có thái độ coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm với hành vi của mình, hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, theo tôi, cũng có thể do những chế tài xử phạt cho hành vi này đối với các lái xe còn chưa đủ sức răn đe, nên việc “đâm người rồi bỏ trốn” đang trở thành hiện tượng phổ biến đối với các lái xe đã gây tai nạn giao thông.

Vậy theo quy định của pháp luật, trong tình huống người điều khiển giao thông đường bộ gây tai nạn và cố tình bỏ trốn sẽ bị xử lí như thế nào?

- Tuỳ từng trường hợp, lái xe gây tai nạn rồi cố tình bỏ trốn, có thể xử lý theo luật hình sự hoặc xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 202 BLHS thì "Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác" thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù với mức phạt thấp nhất là sáu tháng, cao nhất là mười lăm năm.

Nếu người gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ đúng hiện trường là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 202 BLHS. Theo đó, người có hành vi "Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn" bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi người gây tai nạn giao thông nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không giữ đúng hiện trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định này thì người điều khiển xe có hành vi "Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn" bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ông có nhận xét gì về việc Cảnh sát Giao thông đu bám lên đầu xe khi chặn xe vi phạm? Nếu lái xe vẫn cố tình đi ngay cả khi có biện pháp ngăn chặn của CSGT, và gây thương tích hoặc làm cán bộ đó tử vong thì lái xe đó sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật?

- Để thực thi nhiệm vụ, cảnh sát giao thông đã được đào tạo để dùng biện pháp ngăn chặn phù hợp. Việc cảnh sát giao thông phải đu bám lên đầu xe để chặn xe vi phạm có thể là trường hợp bất đắc dĩ. Song tôi nghĩ, mỗi chiến sĩ giao thông cần phải biết cách ứng xử sao cho linh hoạt, thông minh để hoàn thành nhiệm vụ mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của mình.

Việc lái xe vẫn cố tình đi ngay cả khi có biện pháp ngăn chặn của cảnh sát giao thông, gây thương tích hoặc làm cán bộ đó tử vong, thì lái xe đó có thể bị phạt từ từ hai năm đển bảy năm theo điểm d, khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ với tình tiết tăng nặng là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc tuỳ theo các  tình tiết của vụ việc, lái xe có thể bị xem xét và truy tố về Tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự

Theo ông, có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này hay không?

Theo tôi, muốn hiện tượng này không gia tăng, trước hết cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời, cần phải hoàn thiện các chế tài, cơ chế xử phạt về an toàn giao thông đường bộ. Trong thời điểm hiện tại, khi mà ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, cần phải có hình thức xử phạt thật nghiêm đối với những người có hành vi này để răn đe và giáo dục.

Xin cảm ơn ông!


Lam Nguyên - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc