Những bóng hồng đột ngột lộ mặt "giang hồ"

14:45, 12/05/2012
|

(VnMedia)- Thay vì chấp hành theo yêu cầu của cảnh sát giao thông, nhiều cá nhân đã tự cho phép mình hành động như giang hồ khi đánh, tát, chửi bới, đe dọa người thi hành nhiệm vụ...

Cảnh sát giao thông bị đánh như tội phạm

Khảng 0h30 sáng 7/5 tại ngã ba Trương Định – Giải Phóng, khi tổ tuần tra Đại đội 1 – Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ), công an thành phố do Thượng uý Đỗ Quang làm tổ trưởng phát hiện hai nam nữ thanh niên không đội mũ bảo hiểm đèo nhau trên xe máy BKS 34N8 – 8005 từ ngã ba Trương Định – Giải Phóng, trên xe có hai chiếc túi xách màu đen đầy nghi vấn đã tổ chức đội hình dừng xe kiểm tra. 

Mặc dù đã nhận hiệu lệnh, nhưng cả hai vẫn ngồi trên xe, chẳng những không chấp hành mà còn lớn tiếng vu khống 4 CSCĐ mặc nguyên bộ quân phục là cảnh sát giả.

 Ảnh minh họa

 Trước thời điểm xuất hiện trên mặt báo như một kẻ côn đồ, Nguyễn Thị Thanh Huyền là một sinh viên như bao bạn bè cùng trang lứa khác.


Khi lực lượng cảnh sát 113 tới hỗ trợ, cô gái lại bất ngờ xô đồng chí Nguyễn Văn Sang đang giữ trật tự, làm rơi ve áo, đứt khuy, vu khống là công an ăn cướp. Chưa đã, cô gái còn hùng hổ nhảy ra kéo cổ áo, chửi bới và dùng tay phải đấm thẳng vào mặt làm đồng chí Sang ngã xuống đường. Cô gái đấm CSCĐ tên là Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1990) hiện là SV Đại học Thăng Long và nam thanh niên là Trần Đức Thành (SN 1987) là SV Đại học Mở.

Cũng có màn đấu võ một phía đầy chất giang hồ là Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.Hồ Chí Minh), người đã tát vào mặt 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường Lê Văn Khương, Q.12, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 2/7/2011.

Theo đó, khoảng 16h30 ngày 2/7/2011, hai đồng chí Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long đang thực hiện tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Lê Văn Khương thuộc phường Thới An, Q.12 thì phát hiện Trương Thị Hạnh điều khiển xe mô tô biển số 54Y2-5845, chạy ngược chiều trên phần đường bên trái hướng từ Cầu Dừa về UBND P.Thới An, phía sau chở Phạm Thị Mỹ Linh và Phạm Quang Minh (là 2 con của bà Hạnh). Đồng chí Ánh ra hiệu lệnh dừng xe và bà Hạnh đã chấp hành. Sau đó, đồng chí Ánh yêu cầu bà Hạnh xuất trình giấy phép lái xe, giấy tờ xe, giấy bảo hiểm xe, chứng minh thư nhưng bà Hạnh chỉ xuất trình được mỗi giấy tờ xe. Khi đồng chí Ánh tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính thì bà Hạnh giật cuốn biên bản và giấy chứng nhận đăng ký xe rồi giằng lấy xe dắt đi.  Đồng chí Ánh và đồng chí Long không đồng ý và giữ xe lại để lập biên bản thì Linh xô đồng chí Ánh 3 cái ra giữa đường. Sau đó, Linh quay lại thấy đồng chí Long đang nắm giữ sau của xe mình nên xô chiến sĩ Long ra và đánh liên tiếp 4 cái vào mặt anh này. Linh còn hét lớn rồi xỉu ngay tại lề đường.

 Ảnh minh họa

 Vì sự bột phát nhất thời, mà Phạm Thị Mỹ Linh, cô gái tát cảnh sát giao thông gây chấn động dư luận phải nhận mức án 9 tháng tù giam!


Một vụ phụ nữ tự biến mình thành côn đồ khác là Nguyễn Thị Luyện ((34 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi chửi như hát hay hai cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ tối 8/10/2011.

Sự việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 8/10, Phạm Văn Hải (13 tuổi, cháu chị Luyện) cùng một nam thanh niên điều khiển xe máy Jupiter đi đổi tiền cho khách. Đến hướng cầu 361 ở Trung Yên, quận Cầu Giấy họ bị 2 cảnh sát cơ động bắt giữ xe vì không đội mũ bảo hiểm và không có giấy tờ tùy thân. Hải có gọi điện thông báo với chị Luyện.

Yêu cầu đưa chìa khóa xe nhưng không được chấp hành, cảnh sát cơ động đã túm cổ áo người vi phạm luật và gạt tay vào cổ chị Luyện. "Lúc đó tôi bức xúc nên đã hô cảnh sát đánh người và đã buông lời chửi...", chị Luyện thừa nhận.

Gần hai tháng sau khi xảy ra vụ việc, Nguyễn Thị Luyện đã bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Chống đối vì sao?

Sau mỗi vụ chống người thi hành công vụ được công bố, dư luận đều cảm thấy hoang mang về những hành động đầy chất côn đồ của các đối tượng. Nếu những đối tượng "du thử, du thực", "đầu trộm, đuôi cướp" có hành vi chống người thi hành công vụ thì dư luận đã không sốc. Đằng này, rõ ràng ở thân phận "liễu yếu đào tơ", lại là những người có học hành, trưởng thành và chưa có "tì vết" tội phạm, mà trong một số tình huống cụ thể, những người lương thiện lại biến thành tội phạm!

Chính bản thân những kẻ giang hồ này, trước vành móng ngựa, tại cơ quan điều tra đều cho rằng do không kìm chế được bản thân. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý tội phạm học thì mỗi con người sinh ra chắc chắn không mang sẵn trong mình gene tội phạm.

Mạnh Tử có nói: "Nhân chi sơ tính bản thiện". Người ta sinh ra đều sẵn hiền lành, dù cha mẹ của chúng có là dân trộm cướp hay đồ tể đi chăng nữa thì làm gì có đứa trẻ nào mới sinh ra đã biết cầm dao giết người, đâm chém, hãm hiếp... Mọi đứa trẻ khi mới xuất hiện trên cõi đời đều hiền lành, đều bản thiện. Vậy, lý do gì mà một người lương thiện lại có thể trở thành tội phạm?

Trả lời VnMedia, PGS - TS Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, tội phạm là một vấn đề xã hội. Chỉ có thể phòng, chống tội phạm hữu hiệu bằng cách tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh đúng như Steve Jones nhấn mạnh: “Một từ ngữ bị hiểu sai nhiều nhất trong di truyền học là chữ ‘for’ (dành cho), như trong câu "gene dành cho một cái gì đó". Chẳng có một gene dành cho bất cứ cái gì cả. Một gene chỉ là một chất hoá học mà bạn có thể nhỏ vào một ống nghiệm. Các gene chỉ biểu lộ tác động của chúng theo những tổ hợp riêng biệt, và quan trọng nhất là trong những môi trường riêng biệt. Đó là yếu tố cơ bản. Một khi được đặt vào trong một môi trường xã hội thích hợp thì gene mới làm công việc của nó. Nhưng trong khi bạn không thể dễ dàng thay đổi gene, bạn có thể thay đổi xã hội vào ngày mai”.

Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều là do xử lý hành vi này quá nhẹ. “Tôi đã nhiều lần đề xuất cần nâng các quy định về xử phạt lên mức độ nghiêm khắc hơn, nếu không thì rất khó để răn đe các đối tượng vi phạm” - ông Ngọc cho biết.
 
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng cho rằng việc xử lý hình sự trong một số điều luật còn quá nhẹ, nhất là hành vi chống người thi hành công vụ. Một số vụ chống lại CSGT và Cảnh sát Cơ động thường chỉ cho hưởng án treo hoặc xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức giáo dục và răn đe tội phạm. “Ngăn chặn hành động này không chỉ ngành công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình” – ông Nhanh nhấn mạnh.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc