(VnMedia) - Theo luật sư Trần Đình Triển, trong trường hợp bắt quả tang "người lớn" đang giao cấu với trẻ em, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nên tạm giữ đối tượng để xử lý hình sự sau đó.
Như VnMedia đã đưa tin, hồi 10h ngày 10/5, qua tuần tra kiểm soát, công an phường Khương Đình kiểm tra tại phòng 601 nhà nghỉ Thiên Phú - ở số 2 ngách 197/35 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, phát hiện 1 đôi nam nữ có quan hệ tình dục tại đây.
Tổ công tác đã đưa hai người về trụ sở công an phường làm rõ. Tại đây, người nam giới khai là Đ.T.A (SN 1960, phường Đại Kim, Hoàng Mai) và cô gái là H.M.P (SN 1997, ở Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân), hiện là học sinh một trường trên địa bàn quận.
T.A và P đã khai nhận có quan hệ tình dục với nhau tại nhà nghỉ Thiên Phú.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ xử lý, công an quận Thanh Xuân đã tạm cho T. A về.
Nếu bị bắt quả tang đang giao cấu với trẻ con thì dù đối phương có đồng tình hay không, người giao cấu vẫn nên bị tạm giữ để phục vụ điều tra và đảm bảo tính răn đe. |
Việc tạm tha cho đối tượng giao cấu với trẻ em mà không thực hiện lệnh bắt tạm giam liệu có đúng theo các quy định của pháp luật?.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong trường hợp bị bắt quả tang giao cấu với trẻ em, sau khi làm các thủ tục rõ ràng, có thể căn cứ vào điều 88 Bộ Luật Tố tụng hình sự để xử lý.
Theo khoản 1, điều 88, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
Nhưng trong trường hợp này, đối tượng 52 tuổi chưa phải là người già và lại phạm tội giao cấu với trẻ em, đây là hành vi đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, mà còn liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, quyền của người phụ nữ. Đây là trường hợp mà đạo đức xã hội lên án rất mạnh mẽ.
"Nên nếu bắt quả tang, kể cả trong trường hợp theo quan điểm của tôi không nên tha mà phải áp dụng biện pháp tạm giữ và xử lý hình sự sau này", luật sư Triển nói.
Cũng theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển, loại hình tội phạm này gần đây được báo chí phản ánh rất nhiều, chính vì thế để ngăn chặn chúng ta phải xử lý cương quyết. Ngoài ra, việc xử lý hình sự nó có ý nghĩa không những phòng ngừa mà còn có tính chất giáo dục chung. Vì thế nếu không áp dụng hình thức tạm giam để xử lý thì yếu tố thứ hai "phòng ngừa chung" không đảm bảo được.
Trong trường hợp của "chú" 52 tuổi giao cấu với cháu 15 tuổi kể trên, theo luật sư Triển có thể áp dụng xử lý theo Điều 115 về "Tội giao cấu với trẻ em".
Điều 115 quy định:
Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ mười ba tuổi đến dưới mười sáu tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
Ý kiến bạn đọc