(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, ngoài việc kiến nghị lên Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gia đình nạn nhân vụ thảm sát tiệm vàng còn có quyền gửi đơn lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để giám sát lại bản án phúc thẩm.
>> Vụ Luyện: Gia đình bị hại gửi đơn lên Tòa Tối cao
Trao đổi với VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội, sau khi phiên tòa phúc thẩm xử sát thủ tiệm vàng Lê Văn Luyện gia đình nạn nhân không còn quyền kháng cáo mà có quyền kiến nghị lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại bản án.
"Theo quy định của pháp luật, kháng cáo là quyền của bị hại, bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với bản án sơ thẩm. Còn bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật thi hành. Theo quy định của pháp luật khi có bản án phúc thẩm gia đình bị hại và các tổ chức cá nhân có liên quan có quyền kiến nghị lên Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. nếu có tình tiết mới thì yêu cầu tòa cung cấp để tiến hành giám đốc thẩm và tái thẩm theo quy định của pháp luật", luật sư Triển nói.
Bị cáo Lê Văn Luyện, Lê Văn Miên và Trương Thanh Hồng trong phiên tòa phúc thẩm 30/3. |
Luật sư Triển cũng cho biết, thời hạn kiến nghị giám đốc thẩm là 3 năm và tái thẩm nếu có tình tiết mới là vô thời hạn theo quy định của pháp luật.
"Đồng thời gia đình cũng có quyền gửi đơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp quốc hội để giám sát, xem xét theo trình tự giám sát của Quốc hội. Nếu Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chứng cứ, tài liệu mới thì có quyền giám sát và yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm", luật sư Triển cho biết.
Theo quy định của pháp luật giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị, vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.
Tái thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị, vì có những tình tiết mới được phát hiện, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định, mà Toà án không biết được khi ra bản án, hoặc quyết định đó.
Ý kiến bạn đọc