(VnMedia) - Thiếu tướng Nguyễn Đình Nghị, Bộ Công an cho biết, với lực lượng công an, các sai phạm bị xử lý rất nghiêm. Từ năm 2009 đến nay, đã xử lý tới 40 trường hợp cảnh sát, công an tiêu cực...
Tại buổi giải trình sáng nay, trước thắc mắc của một số đại biểu về việc lực lượng công an, cảnh sát khi vi phạm giao thông thường không bị xử lý, Thiếu tướng Nguyễn Đình Nghị, Bộ Công an cho biết, do xác định lực lượng CSGT là lực lượng chính làm nhiệm vụ pháp luật nên Bộ Công an đã ban hành tiêu chí đối với một CSGT.
Theo chỉ đạo, hàng năm Bộ đều tổ chức tập huấn để nghiên cứu chính sách, quy trình, tác phong làm việc cho lực lượng CSGT. Hiện đang rà soát, phân loại lại toàn bộ lực lượng CSGT, những đồng chí chưa đủ điều kiện sẽ kiên quyết loại khỏi lực lượng.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Nghị thừa nhận, tiêu cực của CSGT là một thực tiễn. Tồn tại này không những làm ảnh hưởng đến lực lượng công an nói chung mà còn làm giảm uy tín của lực lượng.
Để khắc phục, Bộ Công an đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh lực lượng công an, từ các phong trào này đã xây dựng các quy tắc ứng xử. Ví dụ với CSGT Hà Nội là 8 việc được làm, 12 việc không được thực hiện.
Công an ngồi trong cabin xe để xử lý vi phạm - ảnh: VTC |
Vị Thiếu tướng ngành công an cho biết, với lực lượng công an, các sai phạm bị xử lý rất nghiêm. Năm 2011 đã có trường hợp bị xử lý kỷ luật tước danh hiệu chiến sỹ công an. Từ năm 2009 đến nay đã xử lý tơi 40 trường hợp cảnh sát, công an tiêu cực.
Trước vấn đề, hiện nay tại các bãi xe vi phạm đang tồn đọng hàng nghìn phương tiện, gây hư hỏng, ông Nghị cho biết, việc tạm giữ không phải là hình phạt chính nhưng có sức răn đe rất cao. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại vấn đề là phương tiện bị tạm giữ xuống cấp nghiêm trọng là do có mấy vấn đề.
Theo ông Nghị, việc tồn đọng là do quy định của pháp luật quá chặt chẽ. Theo quy định, chủ phương tiện không đến giải quyết, tiền phạt vi phạm nhiều hơn giá trị của chiếc xe vi phạm nên người ta bỏ xe luôn, nhiều trường hợp chủ phương tiện không có giấy tờ nên cũng bỏ…
Ông Thiếu tướng Công an cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, hết thời hạn tạm giữ phải thông báo ít nhất 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải sau 30 ngày mới có thể ra quyết định tịch thu, xong lại chuyển cho đơn vị khác bán đấu giá… do đó, để “giải quyết” được một chiếc xe vi phạm thì phải mất 6 tháng, dẫn đến số xe tồn đọng ngày càng lớn.
Sau khi nêu ra các hạn chế trên, ông Thiếu tướng Công an đề xuất phải nghiên cứu lại các quy định của pháp luật sao cho thông thoáng hơn trong việc xử lý xe vi phạm.
Trước ý kiến hiện nay tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ rất nhiều nhưng công an xử phạt rất ít hoặc không xử phạt, vị Thiếu tướng Công an cho biết, vượt đèn đỏ, không phải công an coi nhẹ không xử phạt. Ngược lại, CSGT rất coi trọng trong việc xử phạt vì đây là nguyên nhân gây tai nạn và ùn tắc. Tuy nhiên, tại sao phạt nhiều mà vẫn vi phạm? Bản thân CSGT không phải chốt đèn đỏ nào cũng tổ chức chốt trực, hơn nữa vào thời gian cao điểm thì yêu cầu làm những việc khác để chống ùn tắc nên không thể xử phạt.
Cùng quan điểm Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần phải nâng cao mức xử phạt vi phạm giao thông. Theo người đứng đầu Bộ Giao thông, việc thí điểm xử phạt vi phạm giao thông cao gấp đôi tại Hà Nội và TPHCM đã giúp giảm hẳn các lỗi vi phạm: vượt đèn đỏ, lấn chiếm vỉa hè lòng, đường, tai nạn giao thông giảm rất nhiều.
“Tôi đã làm việc với nhiều địa phương trong cả nước, ở đâu họ cũng đề nghị được áp dụng mức phạt cao như Hà Nội và TPHM”, Bộ trưởng Bộ Giao thông cho biết.
Ý kiến bạn đọc