Sát thủ máu lạnh xuất thân giang hồ "vặt"

21:12, 19/04/2012
|

(VnMedia)- Từ những hành vi đơn giản như trộm gà, trộm chó, trộm điện thoại, nhiều đối tượng đã trở thành những tên tội phạm máu lạnh giết người không gớm tay. Nguyên nhân nào dẫn đến những hành động tội phạm này?

 

Gì cũng ăn trộm

 

Lúc17h ngày 3/3/2012, chị Phạm Thanh Huyền (ở 331 Trường Chinh, quận Thanh Xuân) đến rạp chiếu phim Megastar xếp hàng mua vé xem phim. Thời gian đứng mua vé không hề lâu, chị Huyền chỉ lơ là với cái túi trong vài giây nhưng chiếc túi đã bị mở khóa và chiếc điện thoại Vertu, trị giá 150 triệu đồng đã không cánh mà bay.

 

Cũng một trường hợp nạn nhân bị móc trộm iPhone nhanh hơn điện là sự kiện xảy ra tại siêu thị Big C Long Biên (Hà Nội) ngày 8/4 vừa rồi.

 

Theo lời kể của chị H.D (nạn nhân bị móc túi), ngày 8/4, chị cùng con trai đi siêu thị Big C (Long Biên, Hà Nội) sắm đồ. Trong lúc thanh toán tiền tại quầy tính số 6, chị thấy có người động đậy phía sau lưng.

 

Tưởng là con trai sợ bị lạc bám vào áo nên chị không để ý. Sau đó, khi ra khỏi khu vực tính tiền và khu vực an ninh, chị rút điện thoại ra liên lạc với người thân thì không thấy điện thoại đâu. Chiếc túi nylon đựng điện thoại đeo bên mình bị cấu rách.

 

Qua camera theo dõi của siêu thị thì phát hiện tại thời điểm trên, có một đối tượng là nữ, mặc áo đen áp sát và tiếp cận người chị D. trong khi đang tính tiền.

 

Hình ảnh trên hệ thống camera cho thấy, bằng thủ thuật tinh xảo người phụ nữ trên đã thò tay cấu rách túi nylon và lấy chiếc điện thoại. Sau đó đối tượng bám theo để lấy tiếp chiếc ví trong túi nylon của chị D. nhưng không thành. Tiếp đến, đối tượng trên đã rút điện thoại vừa ăn cắp được tảng lờ liên lạc để rút khỏi khu vực kiểm soát an ninh.

 

 Ảnh minh họa

 Ngay trong siêu thị, siêu trộm này áp sát nạn nhân và móc trộm điện thoại iPhone trong nháy mắt. Ảnh: VTC


Đáng nói là thời điểm chị D đứng thanh toán, quầy tính tiền rất vắng, chị không phải chờ đợi lâu và đối tượng chỉ tiếp cận với chị trong khoảng thời gian rất ngắn.

 

Cuối tháng 12/2011, một shop hàng hiệu trên phố Bạch Mai (Hà Nội) chuẩn bị đóng cửa thì bà lão chừng 60 tuổi mặc áo khoác to, cầm theo túi dứa và nón đi xe đạp đến.

 

Bà hỏi mua 2 đôi giày trị giá khoảng 2 triệu đồng, nói muốn làm quà cho con trai. Khi nữ nhân viên Kim Anh vào kho lấy hàng, bà khách yêu cầu cô bán hàng còn lại ra khu vực khác kiếm cho mình đôi tất. Theo hình ảnh camera ghi lại, đứng khuất sau giá hàng, bà khách nhanh tay với 2 chiếc quần jeans cho vào túi dứa cầm trên tay.

 

Ai dẫn lối, đưa đường?

Trong một khảo sát nhanh với hơn 10000 người trên internet về câu hỏi vì sao tội phạm ngày càng trẻ hóa và manh động? Đã có 42,16% người lựa chọn phương án do cha mẹ buông lỏng quản lý, ít quan tâm dạy dỗ con cái; 41,93% chọn phương án do pháp luật quá nhân văn không đủ sức răn đe tội phạm; và 15,91% chọn phương án do nhà trường chỉ lo dạy chữ, không dạy "làm người".

Liên quan đến việc tội phạm gia tăng vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ, trong một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an cũng cho rằng, có nhiều đối tượng sa vào vòng lao lý chỉ vì bố mẹ bất hòa, lục đục và thờ ơ với con cái.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho rằng, những đối tượng phạm tội vì quẫn bách cần có tiền, nên đường cùng chúng đã chọn cách thức cướp tài sản, động cơ mục đích thúc đẩy là phải chiếm đoạt bằng được tài sản, điều này thôi thúc mãnh liệt khi gây án và đương nhiên khi gặp sự kháng cự hoặc khó khống chế được chủ tài sản chúng sẵn sàng dùng sức mạnh nhằm làm tê liệt ý chí của chủ tài sản để chiếm đoạt.

Và đó chính là lý giải tại sao không phải "cộm cán" mà vẫn gây ra trọng án! Cái "sợ" trong sự sĩ diện hão của họ rất nguy hiểm, rất nhiều vụ đối tượng chỉ vào trộm con gà, cái nồi, nhưng bị chủ nhà phát hiện được, do "sợ" bị tố giác ra ngoài "xấu hổ" nên sẵn sàng giết chủ nhà để bịt đầu mối và từ việc chỉ bị xử phạt hành chính (thậm chí bỏ qua) về hành vi trộm, nhưng lại mang án dựa cột về hành vi giết người chỉ vì "xấu hổ" với hành vi trộm.

Cho nên vấn đề tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để mọi người hiểu biết pháp luật là vô cùng quan trọng, nội dung tuyên truyền cần chú trọng cả tình huống, khi một người "lỡ" vi phạm hãy dừng lại, pháp luật luôn khoan hồng với người đó, không ai "đánh kẻ chạy lại", đừng để cái "tôi sĩ hão" mà gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội (nỗi đau cho gia đình nạn nhân, sự tốn kém của cơ quan điều tra trong điều tra, truy tố) và bản thân bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí bị tử hình (hậu quả gây ra rất lớn cho chính gia đình họ cả trước mắt và lâu dài - cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mồ côi bố hoặc ám ảnh bị sỉ nhục bởi người cha phạm trọng tội).


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc