Rợn người khủng bố bằng quan tài, hoa tang

07:45, 11/04/2012
|

(VnMedia) Những người đang sống bỗng dưng nhận được những chiếc quan tài đầy tang tóc hoặc tờ cáo phó ghi đích danh họ tên nạn nhân. Những chiêu khủng bố kiểu này đã gây sức ép đặc biệt nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần của người sống.

Nỗi ám ảnh mang tên quan tài

Ảnh minh họa

Một vụ khủng bố tinh thần nạn nhân bằng quan tài


Trong quan niệm của nhiều người, chiếc quan tài là hiện thân của sự chết chóc, tang thương, là “điềm gở”. Bởi thế, sử dụng quan tài làm vật “khủng bố” thường gây tâm lý hoang mang tột độ, mang nỗi ám ảnh, khiếp sợ đối với các nạn nhân.

Ngày 5/4/2012, khi cụ Đỗ Văn Yết (91 tuổi) đang ngồi tại nhà ở xóm 3, xã Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định thì thấy một nhóm người chở 2 chiếc quan tài đến đặt trước cửa nhà ông Yết rồi bỏ đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Trước khi sự việc trên xảy ra, gia đình ông Yết thường xuyên bị một số đối tượng chửi bới, đe dọa giết và xúc phạm nghiêm trọng. Thậm chí, có đối tượng mang dây xích sắt đến khóa cổng nhà ông này. Qua sự việc trên, cả gia đình nạn nhân vô cùng hoang mang, lo sợ về sự bất an đối với tính mạng, cuộc sống.

Đây không phải lần đầu tiên kẻ xấu sử dụng quan tài để gây sức ép đối với các nạn nhân. Tìm lại những vụ việc tương tự, dư luận từng xôn xao về vụ quan tài gây cản trở giao thông đường bộ. Ngày 14/12/2009, chiếc quan tài có người chết đặt trên đường Hùng Phương (Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), đã gây ùn tắc giao thông gần một giờ. Theo công an Cần Thơ, người xấu số nằm trong quan tài là Đàm Hồng Sơn ở quận Bình Thủy - bị bắt quả tang tàng trữ ma túy. Nguyên nhân được xác định, tối 11/12, công an đã thu giữ một cục heroin... của vợ chồng Sơn. Khám xét nơi ở của hai người này cơ quan chức năng thu giữ thêm 8 cục heroin. Trong lúc cán bộ điều tra đang ghi lời khai, Sơn nhảy qua cửa sổ bỏ trốn và rơi từ tầng 5 tòa nhà khối cảnh sát (Công an thành phố Cần Thơ). Khi đưa đi hỏa táng, gia đình đã để quan tài Sơn xuống đường làm ùn tắc giao thông để yêu cầu công an bồi thường.

Có trường hợp, kẻ xấu sử dụng quan tài như một công cụ đắc lực trong việc đòi nợ. Sáng 14/12/2008, một số thanh niên dùng xe ôtô chở quan tài đến đặt trước nơi ở của chị Mai (31 tuổi) ở phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên để đòi nợ. Những người này thắp nến, hương trên nóc quan tài để đe dọa, gây áp lực với chị Mai. Trước đó một ngày, những thanh niên này đã đến nhà chị Mai có hành vi đe dọa giết, cắt gân, rạch mặt chị. Sau khi đập phá cửa, họ đã bỏ đi.

Cáo phó… người sống

Ảnh minh họa

Nạn nhân của trò khủng bố bằng cáo phó...người sống


Cũng liên quan đến cái chết nhưng nhiều kẻ xấu không sử dụng quan tài để khủng bố tinh thần, đe dọa các nạn nhân mà sử dụng tờ cáo phó để đạt mục đích đê hèn. Thông thường, nạn nhân của những vụ việc này thường bị ám ảnh tâm lý rất nhiều sau khi thông tin cá nhân bị biêu riếu trong tờ cáo phó.

Trong thời gian chờ ly hôn, đối tượng Bạch Thành Phong (SN 1976, HKTT ở 17A phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, có một tiền án) khủng bố tinh thần của vợ bằng "độc chiêu" dán cáo phó, dựng rạp làm đám ma cho nạn nhân. Khi lực lượng Công an phường và CS 113 có mặt thì Phong đã dán cáo phó, dựng rạp đám ma kèm di ảnh của vợ tên là chị Nguyễn Phương Thảo (SN 1981, trú tại 17A Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ba Đình, Hà Nội).

Trong nội dung cáo phó, Phong dựng lên chuyện chị Thảo đã mất vào hồi 1h ngày 24/12/2011 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Sài Gòn. Đám tang giả này đã khiến bà con lối xóm hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng trước sự "ra đi" đột ngột của chị Thảo. Cho đến khi lực lượng CA xuất hiện thì họ mới vỡ lẽ về "độc chiêu" khủng bố tinh thần vợ của Phong. Cơ quan Công an nhanh chóng xác định chị Thảo vẫn đang còn sống. Thời điểm đó, giữa chị Thảo và Phong đang trong thời gian chờ giải quyết thủ tục ly hôn. Phong đã có nhiều hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần của nhà vợ khiến Thảo và mẹ đẻ của mình phải đi nơi khác sống.

Đang sống yên lành thì bà Khúc Thị Thuận, thường trú tại số 8, ngõ 49, phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được người dân báo có bản “Cáo phó” bà Thuận chết dán ngay trước cửa Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông. Cầm trên tay tờ giấy này bà Thuận không khỏi bực mình khi đọc được dòng chữ “Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Bà Khúc Thị Quý Thuận, chỗ ở 49 Lê Đại Hành, tập thể nhà ăn uống Vân Hồ đã mất vào hồi 3 giờ sáng ngày 30.11.2010, tức ngày 3.9 năm Canh Dần, thọ 63 tuổi…lễ viếng được tổ chức tại ngõ 49 Lê Đại Hành; Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 3h, ngày 3.11.2010 ( AL) tại nơi trông lưu giữ xe cổng Công viên Lê- Nin đường Trần Nhân Tông”. Phần cuối tờ giấy này ghi người thông báo là ông Thuấn, chồng bà. Theo nhận định của bà Thuận, kẻ dán tờ cáo phó ác y trên rất có thể liên quan đến việc bất hòa trong việc sửa chữa nhà của một nhà trong cùng ngõ.

Dù sử dụng quan tài hay cáo phó để đe dọa những người đang sống là một hành vi đê hèn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống của các nạn nhân. Thông thường, trong các trường hợp cụ thể nêu trên, kẻ xấu không thoát khỏi sự trừng trị của Pháp luật bởi hành vi ấy đã cấu thành tội gây rối trật tự công cộng. Xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn nữa đối với những hành vi này nhằm loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi đời sống xã hội.


Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc