Ông Vươn có thể thuê lại đất đến 2020

13:30, 06/04/2012
|

(VnMedia) - Sáng 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Cuộc đối thoại tập trung vào một số vấn đề chính như đất đai, khoáng sản và biến đổi khí hậu.

Tại cuộc đối thoại, nhiều độc giả đã đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề nóng hiện nay là đất nông nghiệp, thời hạn giao đất nông nghiệp và hướng xử lý sau khi hết thời hạn giao đất.

Một độc giả tại Thái Bình đặt câu hỏi : Tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64. Vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông? Làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện, bớt thủ tục hành chính? Vì hiện nay tại nông thôn rất bất cập có trường hợp chết 8 năm nay vẫn còn ruộng và ngược lại có trường hợp sinh ra 8 năm nay vẫn không có ruộng mà là hộ nghèo và cận nghèo.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời: Trường hợp này được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đối với trường hợp này. Trong luật đất đai 1993 (sửa đổi năm 2003) có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm... Mốc thời điểm tính từ năm 1993. Thời hạn sử dụng là 20 năm. Như vậy, sáng năm sau, 2013 là tròn 20 năm. Bà con rất quan tâm bây giờ xử lý như thế nào? Có tiếp tục cho sử dụng hay chia lại ruộng đất?

Vừa qua, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Hiện tại cũng phát sinh vấn đề khi giao dịch ngân hàng (như dùng sổ đỏ để thế chấp), với thời hạn sử dụng đất còn ngắn, thì sẽ tiến hành như thế nào?

Ảnh minh họa

Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn.

Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn.

Một vấn đề nữa, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên, có tiếp tục cấp sổ đỏ hay không? Tôi xin trả lời, theo luật hiện hành, tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt ngoãng.

Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết, như trường hợp ở Thái Bình. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác. Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi.

Tiến tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc.

Một độc giả tại Hải Phòng đặt câu hỏi: Vụ việc cưỡng chế đầm thuỷ sản của anh Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng gây xôn xao và lo lắng cho bà con trong tỉnh. Chúng tôi băn khoăn liệu anh Đoàn Văn Vươn có được cấp lại đất hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng: "Đây là một bài học lớn trong công tác xử lý các vấn đề về đất đai mà các địa phương cần rút kinh nghiệm. Xung quanh vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo số 43 nêu rõ chỉ thị và hướng xử lý. Thực tế, vụ việc này có nhiều nguyên nhân. Những sai phạm của các cán bộ địa phương đã rõ và đã được xử lý nghiêm minh. Phải nói rằng hiện nay trong lĩnh vực đất đai có rất nhiều văn bản, thông tư hướng dẫn. Với gần 300 văn bản về đất đai hiện nay, cho thấy việc quyết định các vấn đề về đất đai rất phức tạp, đòi hỏi các cán bộ phải nắm rõ để có thể xử lý đúng đắn, hợp tình, hợp lý.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trách nhiệm của người sử dụng đất là phải tuân thủ theo đúng pháp luật. Trong trường hợp của anh Vươn, rõ ràng người sử dụng đất cũng có nhiều sai phạm. Mặc dù ở đây, tôi không muốn “kể tội” ai nhưng thực chất chính những sai sót này đã khiến vụ việc trở nên phức tạp. Chẳng hạn, thực chất anh Vươn chỉ được giao 12 hecta nhưng đã lấn chiếm lên 19 ha, rồi lên 40 hecta. Anh Vươn và gia đình đã xâm lấn vào diện tích rừng phòng hộ để nuôi tôm, cá. Việc chậm nộp tiền sử dụng đất rồi cho các gia đình khác thuê lại mỗi lần 5 ha để thu lợi cũng là sai pháp luật. Hay việc anh xây nhà kiên cố (2 tầng, trong khi xã cho xây nhà cấp 4) làm nơi ở trên khu vực đất không phải khu dân cư, không được xây nhà kiên cố.

Sau vụ việc này, chúng tôi cũng đã có công văn yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ các trường hợp cấp đất đai ở các vùng bãi bồi ven biển. Vừa rồi, tôi đi kiểm tra Thái Bình, tỉnh này thực hiện cho thuê theo dự án, theo thời hạn, không quá 20 năm... theo đúng theo pháp luật.

Tôi cũng đã được nghe ý kiến của huyện Tiên Lãng về việc nên xử lý khu đất liên quan đến anh Vươn ra sao ? Theo đó, thực tế là các khu đất đều đã hết thời hạn cho thuê. Khu đất 21 ha đã hết hạn từ 2007 (cho thuê từ 1993, theo thẩm quyền huyện duyệt là 14 năm), diện tích 19,3 ha hết thời hạn năm 2011. Có lẽ sẽ không bàn đến việc thu hồi, nhưng huyện đề xuất là nên cho thuê. Mặc dù đây là việc thuộc thẩm quyền của thành phố Hải Phòng nhưng quan điểm của Bộ cũng đồng tình là sẽ tiếp tục cho thuê. Đối với diện tích gắn với đê, biển sẽ phải xử lý khác. Tất nhiên cho thuê phải có thời hạn, theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020. Như vậy, có thể anh Vươn sẽ được thuê đến năm 2020".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến sự bất cập của khung giá đền bù đất ; việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà chung cư ; sự cố rò rỉ ở dự án boxit Lâm Đồng...

Cuộc đối thoại trực tuyến kéo dài gần 2 tiếng đã kết thúc lúc 10h45 phút sáng với rất nhiều câu hỏi nóng được giải đáp rõ ràng, cụ thể. Bộ trưởng cho biết cột số câu hỏi còn lại sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng trong Bộ để trả lời chi tiết sau.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


Dương An

Ý kiến bạn đọc