Chạy xe đường dài với cường độ liên tục khiến lái xe tải hạng nặng, xe khách ngủ gật giữa hành trình đôi khi không tránh khỏi. Cộng thêm với việc chủ xe ép đẩy nhanh tốc độ để giảm chi phí, khiến tính mạng của người dân bị đe dọa bất cứ lúc nào.
Đau đớn, thót tim vì lái xe ngủ gật
|
Vụ TNGT kinh hoàng xảy ra vào khoảng 3h sáng 25/3, tại quận Bình Tân, TP.HCM giữa chiếc xe khách 16 chỗ ngồi BKS: 51B-013.33 với xe tải 11 tấn BKS: 98C-008.61, ngoài 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, còn khiến 13 người trên chiếc xe khách bị chấn thương rất nặng. Trước khi lao thẳng xe khách vào đuôi xe tải đang đỗ ở lề đường, lái xe khách trên là Lương Anh Dũng (52 tuổi) điều khiển phương tiện với tốc độ rất cao.
Khi cơ quan CSĐT có mặt tại hiện trường điều tra vụ việc, lái xe Dũng đã đổ lỗi cho lái xe tải dừng xe nhưng không đặt tín hiệu cảnh báo, đồng thời biện minh rằng đoạn đường khá tối nên hạn chế khả năng quan sát. Tuy nhiên, qua xác minh, lái xe Dũng đã phải thừa nhận bản thân… ngủ gật khi đang điều khiển xe nên không nhìn thấy xe tải đỗ ở lề đường dẫn tới tai nạn.
Trong khi cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất thủ tục có liên quan để khởi tố vụ án thì nỗi lo lắng của người tham gia giao thông vẫn chưa vơi bớt. Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là vụ TNGT duy nhất xảy ra bắt nguồn từ việc lái xe ngủ gật. Thực tế, hàng loạt vụ TNGT do lái xe buồn ngủ đã xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Hậu quả của những vụ việc này đều hết sức nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ TNGT liên hoàn giữa chiếc xe container hạng nặng với 3 chiếc xe tải cùng chiều ở phía trước. Thời điểm đó, lái xe container trên là Đỗ Văn Đông (26 tuổi), quê ở Vĩnh Phúc đầu gục xuống vô lăng để… ngủ sau một hành trình dài hàng trăm kilômét. Khi đang xuống dốc cầu Bình Phước thuộc quận Thủ Đức, do ngủ quên nên lái xe Đông vẫn nhấn ga, để xe tự do phóng về phía trước lao thẳng vào đuôi xe tải loại 8 tấn. Lực đâm rất mạnh của chiếc xe container còn khiến cho xe tải 8 tấn lao tiếp lên trên đâm vào đuôi xe tải 15 tấn. Cả 3 lái xe trên mặt cắt không còn giọt máu, loạng choạng mở cửa xe lao xuống đường. Hàng trăm người dân đi trên đường thót tim hoảng sợ. Tuy may mắn không có thiệt hại về người nhưng 3 chiếc xe này đã bị bẹp rúm hết ca bin.
Nguy cơ ngăn chặn được
|
Cũng là ngủ gật nhưng có lẽ may mắn nhất phải kể tới lái xe tải Lê Văn Trường (SN 1990) quê ở Tân Yên, Bắc Giang điều khiển xe, BKS: 30H-2332. Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 1 nhớ lại, thời điểm đó tổ công tác đang làm nhiệm vụ tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội phát hiện chiếc xe tải này phóng với tốc độ cao, lạng lách trên đường. Hàng trăm người tham gia giao thông hoảng sợ, nhiều người còn bỏ lại phương tiện để lao lên vỉa hè. Trung tá Tâm điều khiển xe ô tô lên kiểm tra thì thấy trên cabin, lái xe đang gục mặt xuống vô lăng ngáy như sấm. Vận tốc cao, trước mặt lái xe tải là ngã tư người tham gia giao thông đang đứng chờ đèn đỏ nhưng chiếc xe vẫn ầm ầm lao tới. Trước tình huống nguy hiểm và vô cùng khẩn cấp này, Trung tá Tâm đã lao xe lên, dùng loa mở hết công suất đánh thức lái xe dậy, đồng thời bật còi hú vang cảnh báo cho người tham gia giao thông biết để tránh. Thấy chiếc xe vẫn không có dấu hiệu chậm lại, Trung tá Tâm đã dùng đến biện pháp cuối cùng lao xe lên phía trước, chặn đầu chiếc xe tải để “đỡ” TNGT cho người dân. May mắn đúng lúc này, lái xe Trường đã tỉnh giấc, vội vàng phanh chiếc xe, nhờ đó thoát khỏi một vụ TNGT liên hoàn mà biết chắc nếu xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp.
Khi chúng tôi tiếp xúc với lái xe ngủ gật này, hỏi về nguyên nhân, Lê Văn Trường thật thà: “Mấy hôm em bốc dỡ hàng và chạy xe suốt đêm nên thiếu ngủ. Ngồi trên vô lăng điều khiển xe dù đã cố gắng nhưng mắt vẫn díp vào và gục xuống lúc nào không biết”. Khi được CSGT yêu cầu tới xác nhận, đại diện công ty nơi Trường làm việc cũng thừa nhận đã cho các lái xe làm việc quá sức dẫn tới nguy hiểm khi điều khiển phương tiện trên đường và hứa sẽ điều chỉnh. Đại diện Phòng CSGT cho biết, trong hàng trăm vụ TNGT xảy ra từ đầu năm đến nay, khung giờ xảy ra tai nạn nhiều nhất vẫn là từ 14-18h, kế tiếp là ban đêm. “Thời điểm này một phần là đường vắng, kế đến do người điều khiển phương tiện mệt mỏi nên một chút không chú ý quan sát làm chủ tốc độ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội Khám nghiệm, tuyên truyền TNGT nhận xét.
Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, điều tra xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) đánh giá: Nguyên nhân dẫn tới lái xe ngủ gật có rất nhiều. Về chủ quan, lái xe nhất là những người chạy đường dài thường phải làm việc với cường độ rất cao. Nếu sức khỏe không đảm bảo, không có thêm lái phụ để hỗ trợ những khi mệt mỏi mà vẫn chạy cố. Nguyên nhân thứ 2 đó là, hiện nay rất nhiều đơn vị, chủ xe vì muốn nhanh tiến độ giao hàng, chuyên chở và thậm chí là tiết kiệm chi phí không thuê thêm lái phụ, yêu cầu lái xe phải chạy với tốc độ cao, điều khiển liên tục. Thêm nữa, nhiều lái phụ xe mặc dù có bằng lái nhưng lại không phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Khi đó lái chính giao vô lăng cho lái phụ cũng chẳng khác gì “giao trứng cho ác”.
Điều 65 - Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái ô tô không được làm việc quá 10 tiếng/ngày và không được lái xe liên tục trong 4 tiếng. Tuy vậy trên thực tế, đa số các lái xe, đặc biệt là lái xe đường dài và xe container thường phải lái liên tục nhiều giờ do vậy luôn trong tình trạng thiếu ngủ. Cũng theo Thượng tá Sơn, quy định là vậy thế nhưng lâu nay, việc xử phạt những lái xe vi phạm vẫn chưa được cơ quan chức năng coi trọng. Trong khi ý thức của lái xe yếu, chế tài xử lý thiếu và dưới sức ép của chủ hàng, những vi phạm này vẫn diễn ra hàng ngày và kéo theo đó là những hậu quả kinh hoàng từ TNGT.
Ý kiến bạn đọc