(VnMedia) – Khi được đề nghị hỗ trợ để 4 em học sinh được tham gia ghi hình trong một chương trình truyền hình, lãnh đạo trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) không hoan nghênh mà còn “làm khó” bằng việc xưa nay hiếm, đó là thu…phí tác nghiệp.
Phí tác nghiệp…5 triệu đồng
Chương trình "Tại sao không?" của Kênh truyền hình VTC2 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC là 1 chương trình truyền hình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về chân dung những người trẻ với những ý tưởng và các đóng góp cho lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông.
Theo kế hoạch sản xuất, tháng 4/2012, "Tại sao không?" sẽ phát sóng 1 chương trình về chân dung nhóm làm phim gồm 4 học sinh của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Đây là những em học sinh đang thực hiện bộ phim ngắn nói lên tình yêu với chính ngôi trường của mình.
Bộ phim có tựa đề: "All about CVA". Kịch bản chương trình hoàn toàn mang tính tuyên truyền gương người tốt việc tốt và có ý nghĩa tích cực không chỉ với cá nhân các học sinh mà còn là với hình ảnh của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội và rộng hơn là Sở GD&ĐT Hà Nội.
Để thực hiện chương trình này, ekip sản xuất của "Tại sao không?" đã liên hệ với phía nhà trường đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho 4 em học sinh tham gia ghi hình. Theo yêu cầu của nhà trường, ngày 23/03/2012, Đài truyền hình kỹ thuật số đã gửi công văn tới trường để chính thức có đề nghị về việc này.
Tuy nhiên, Ông Chử Xuân Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An đã ký, đóng dấu trực tiếp vào thẳng công văn của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC với nội dung: "Tài vụ thu lệ phí theo quy định (5 triệu đồng)".
Mặc dù, Phóng viên đã giải thích về việc tác nghiệp của mình là một hoạt động báo chí bình thường chứ không hề phục vụ mục đích kinh doanh nhưng ông Chử Xuân Dũng vẫn quyết định thu tiền hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Lí do thu được giải thích là theo quy định của Hội đồng nhà trường.
Để đảm bảo chương trình được phát sóng theo đúng kế hoạch phục vụ mục tiêu tuyên truyền, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã phải duyệt chi 2 triệu đồng để trường THPT Chu Văn An đồng ý cho các em học sinh của trường tham gia ghi hình. Đáng chú ý, biên lai thu phí do Tài vụ của Trường THPT Chu Văn An cấp là biên lai của Sở GD&ĐT Hà Nội
Tất cả đều… “sốc”
Trả lời phỏng vấn phóng viên liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, Sở không biết và không có quy định nào về việc này.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà khẳng định điều này không đúng pháp luật và nói cách khác Trường THPT Chu Văn An không có thẩm quyền này. Cụ thể hơn, theo quy định của pháp lệnh phí và lệ phí do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001, chỉ những loại phí và lệ phí do Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành trong danh mục kèm theo mới được phép triển khai và thu trên toàn quốc.
Nghị định 57, năm 2002 hướng dẫn về thu phí và lệ phí, thẩm quyền ban hành các loại thu phí và lệ phí gồm có chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính. Ngoài các cơ quan vừa nêu, không đơn vị nào được đẻ ra các loại phí. Theo quy định điều 58, Luật giáo dục không có điều nào quy định Hội đồng nhà trường được đặt ra các loại phí và lệ phí. Điều 101 Bộ giáo dục cũng không quy định nguồn phí và lệ phí thu từ các nguồn thu khác của nhà trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp thu phí tác nghiệp phóng viên. Theo Luật báo chí, không có quy định nào cho phép cơ sở phóng viên đến đưa tin đòi phí của phóng viên. Không một tổ chức cá nhân nào được cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Việc thu phí là không đúng. Hội nhà báo Việt Nam sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng về việc này làm sao đảm bảo cho phóng viên được tiếp cận nguồn tin và được cung cấp các thông tin chính thống.
Bảo Nhi
Ý kiến bạn đọc