Giải cứu 1.500 nạn nhân trong các vụ buôn người

17:16, 27/04/2012
|

(VnMedia) - Ngày 27/4, Bộ công an tổ chức công bố các chiến lược và chương trình quốc gia phòng, chống ma túy, tội phạm và mua bán người giai đoạn 2011 - 2015. Qua tổng kết cho thấy, 7 năm qua, nhà chức trách đã giải cứu được hơn 1.500 nạn nhân của các vụ án buôn người.

Báo cáo tổng kết của Bộ công an cho biết, trong 7 năm (từ 2007 - 2011), cả nước xảy ra gần 2.600 vụ buôn bán với gần 5.800 nạn nhân. So với 6 năm trước số nạn nhân tăng lên gấp 3 lần. Trong đó, hơn 60% số vụ nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại bán sang Lào, qua tuyến hàng không, tuyến biển tới một số nước khác. Tội phạm thường lợi dụng những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp với những lời hứa hẹn về việc làm có thu nhập cao rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán. Thậm chí, chúng còn lợi dụng địa hình miền núi vắng vẻ để đột nhập bắt cóc trẻ em.

Tổng kết cho thấy, Việt Nam đã kí nhiều hiệp định song phương và đa phương với các nước như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc ... Các nhà chức trách đã giải cứu được hơn 1.500 nạn nhân trong các vụ án và tiếp nhận được hơn 4.500 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng.

Trung tướng Nguyễn Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ công an đánh giá tội phạm buôn bán người cũng như các loại tội phạm khác trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Bộ công an dự báo, thời gian tới tình hình hoạt động tội phạm mua bán người ở Việt Nam phức tạp. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và phân hóa giàu nghèo nhanh khiến nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị, ra nước ngoài ngày càng nhiều là điều kiện để tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động.

Theo dự báo này thì đến năm 2015 có 85% người dân hiểu biết về phương thức thủ đoạn và cách thức, phòng chống tội phạm buôn bán người; hàng năm tỷ lệ phát hiện, điều tra truy tố xét xử các vụ mua bán người tăng ít nhất 2% và 100% bản án tuyên phạt có hiệu lực đảm bảo nghiêm minh và không oan sai...

Đại diện Bộ công an cho biết, so với giai đoạn 2004 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015 người thụ hưởng không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà là mọi công dân có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh không chỉ là mua bán người ra nước ngoài mà cả trong nội địa, trong đó ưu tiên các tuyến biên giới trọng điểm Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia và các thành phố lớn, các tỉnh có khu công nghiệp lớn, đường biên giới.


Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc