(VnMedia)- Có một thực tế khó tin là rất nhiều người bước chân vào con đường hoạt động mại dâm là do có bạn bè rủ rê, lôi kéo. Không chỉ lôi kéo vào nghề mà chính bạn bè của những người này còn tìm khách để họ có thể kiếm nguồn thu…
Được rủ thì làm gái
Trên thực tế, theo đánh giá của MDGIF (Chương trình Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc), việc tham gia hoạt động mại dâm thường là kết quả tổng hợp của các lý do về cá nhân, gia đình và bạn bè. Một số người cho rằng họ tham gia do bị lừa: “Lúc đó bản thân khó khăn, cháu thứ hai qúa nhỏ, một cháu đi học, một cháu ốm đau nên chán. Vợ chồng bỏ nhau nên chán, mình chỉ nghĩ kiếm tiền nuôi con trang trải nợ nần thôi. Bản thân ăn không đủ, còn con cái. Lúc đầu chỉ nghĩ người ta giới thiệu bán hàng bưng bê thôi nhưng đến đó thực tế không phải bưng bê mà người ta dẫn mình đến đúng một nhà chủ chứa. Mà người dắt mình đến đó đã ăn tiền của người chủ chứa kia rồi. Mình vừa ở quê chân ướt chân ráo vào tròng rồi và chấp nhận làm công việc này.” (nữ, 33 tuổi, người mại dâm).
Nhưng, cũng có nhiều người chủ động được việc tham gia vào lĩnh vực hoạt động bất hợp pháp này. 29,6% số người được hỏi cho rằng họ bước chân làm mại dâm là do sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè hoặc của bạn làm mại dâm.
Có 24,7% số người hoạt động mại dâm tự tìm tới công việc này. Ngoài ra, chính bản thân những người mại dâm là một nguồn quan trọng lôi kéo thêm người mới tham gia hoạt động này. 63,9% những người mại dâm được hỏi cho biết chính những người hoạt động mại dâm giới thiệu họ. Một số trường hợp người mại dâm muốn giúp bạn kiếm thêm thu nhập, hoặc một số khác rủ rê để tăng nhóm hội hoặc do nhu cầu tìm hàng mới của chủ.
Nhiều gái mại dâm khi được hỏi cho biết vào nghề là vì có bạn rủ rê. Ảnh: Minh hoạ. |
Trước khi đến thành phố, trong tổng số 232 người hoạt động mại dâm di cư, có 19 người (chiếm 8,2%) không có việc làm ngoài gia đình, 53 học sinh, sinh viên (chiếm 22,8%) và 14 người hoạt động mại dâm (chiếm 6%). Còn lại 63% người có các công việc khác nhau, trong đó 51 người (22% trong số 232) làm lao động nông nghiệp, 17 người (7,3%) làm các công việc liên quan đến dịch vụ gội đầu, thư giãn, nhà hàng, massage, và số còn lại làm các công việc có thu nhập khác. Nhìn chung, các công việc người di cư làm trước khi đến thành phố đều là công việc không ổn định, có thu nhập thấp. Đáng chú ý, hơn 1/5 số người di cư là học sinh, sinh viên muốn tìm tới những thành phố lớn để học tập và tìm việc làm. Đây là những người còn trẻ tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng đào tạo nghề, do vậy, có thể gặp nhiều rủi ro và thiếu chuẩn bị trong quá trình sinh sống và tìm việc ở môi trường thành phố lớn.
Khi được hỏi về dự định ban đầu tìm/chuyển sang việc làm khác ở thành phố được cho là tốt hơn việc làm cũ, 31,4% số người được hỏi không có dự định này. 41,7% có dự định và thành công trong việc tìm cho mình việc làm tốt hơn, 28,3% có dự định nhưng không tìm được việc làm như mong muốn. Lý do chính của điều này là do người di cư không trang bị trước cho mình đủ trình độ chuyên môn hoặc kỹ năng nghề nghiệp, do vậy có tới 44,0% trong số những người không thành công là do không đủ năng lực, trình độ để tìm hoặc theo đuổi được công việc mà mình mong muốn. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như nhờ người giúp nhưng không thành (12,0%), có ý định nhưng chưa muốn chuyển (6,0%), bị lừa hay không thu xếp được việc gia đình (4,0%) …
Mặc dù có gần 70,0% những người di cư mong muốn và có dự định chuyển sang một công việc tốt hơn việc cũ (khác biệt nam-nữ không đáng kể) nhưng chỉ có khoảng 60% đạt nguyện vọng. Đồng thời chỉ có khoảng một nửa số người biết hoặc được cung cấp thông tin về việc làm của mình ở nơi chuyển đến. Kết quả có một nửa số người di cư đến thành phố với thông tin rất hạn chế cho thấy những khó khăn của người di cư trong quá trình tìm việc làm khi họ vừa tới thành phố. Nguồn cung cấp thông tin chủ yếu từ bạn bè, người cùng nghề (52,3%) hoặc người quen (18,7%), họ hàng (15,0%).
Sợ nhưng vẫn muốn làm gái
Khi được hỏi “hãy nêu tối đa 3 yếu tố anh/chị cảm thấy không thỏai mái của công việc hiện tại”, kết quả là có 4 yếu tố làm cho người mại dâm cảm thấy không thoải mái nhất: Nguy cơ mắc bệnh/HIV; lo sợ công an/cơ quan chức năng; bị kỳ thị; và sợ gia đình phát hiện. Có ít nhất một phần ba trong số người trả lời đề cập tới các yếu tố này.
Trong số 4 yếu tố này, sự khác biệt nam-nữ thể hiện rõ nhất ở yếu tố lo sợ công an/cơ quan chức năng. Lý do là vì hiện nay vấn đề xác định chính xác mại dâm nam còn gặp nhiều khó khăn và dư luận cũng như lực lượng cảnh sát thường tập trung sự chú ý đối với mại dâm nữ hơn.
Khoảng 1/2 số người mại dâm đã ý thức được tác hại của hoạt động mại dâm, đặc biệt là về nguy cơ mắc bệnh. Không có sự khác biệt nam-nữ về vấn đề này. Một phần ba số người hoạt động mại dâm cũng ý thức rất rõ về sự kỳ thị của cộng đồng và xã hội đối với mình, nhất là đối với mại dâm nam vì lâu nay họ vẫn biết rằng một bộ phận xã hội có thể chấp nhận mại dâm nữ nhưng không chấp nhận mại dâm nam. Nam giới cũng lo lắng nhiều hơn về sợ gia đình phát hiện, một nỗi lo gần với lo ngại về sự kỳ thị của cộng đồng đối với mại dâm nam. Và cũng do vậy mà tỷ lệ nam giới mại dâm lo ngại ảnh hưởng đến danh dự gia đình cao hơn đáng kể so với nữ (18,0% so với 11,1%).
Đối với hai yếu tố có khác biệt giới cũng khá rõ là lo ngại bị bạo lực và ảnh hưởng đến con cái. Nữ mại dâm lo lắng về sự bạo lực hơn so với nam giới, đồng thời họ cũng lo ngại sự ảnh hưởng đến con cái nhiều hơn (nguyên nhân chính có thể là vì có nhiều người hoạt động mại dâm nữ có con hơn mại dâm nam).
Ý kiến bạn đọc