Ông Đoàn Văn Vươn sẽ lĩnh bao nhiêu năm tù?

06:34, 14/02/2012
|

(VnMedia)- Nếu xem xét tình tiết giảm nhẹ cho hai cá nhân bị khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ của ông Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vươn, hai đối tượng này sẽ nhận khung hình phạt như thế nào?

 

VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Theo luật sư Trần Đình Triển, hiện CQĐT Hải Phòng đang khởi tố ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý theo hai tội danh Giết người và Chống người thi hành công vụ.

 

Tội danh Giết người mà ông Vươn, ông Quý bị khởi tố căn cứ vào Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Với những tình tiết của vụ việc, nhiều khả năng hai cá nhân bị khởi tố nói trên bị áp dụng khoản 4, Điều 93 thì sẽ bị xử phạt nặng.“Do ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý phạm tội lần đầu, thân nhân tốt nên nếu có áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điều 47 Bộ Luật hình sự, thậm chí xử dưới khung thì hai đối tượng này ít nhất bị xử 7 năm trở lên”, luật sư Triển nói.

 

Theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển, Điều 93 Bộ Luật Hình sự là áp dụng cho hành vi cố ý giết người vì một động cơ nào đó trái luật và người bị giết hại không gây một bức xúc gì cho người giết người. Đối với vụ án ở Tiên Lãng, Thủ tướng đã kết luận việc thu hồi đất, cưỡng chế đất sai, phá hủy nhà cửa là sai thì ông Vươn, ông Quý đang chống lại việc trái pháp luật, người mà chống lại việc trái pháp luật để bảo vệ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ xã hội, bảo vệ tài sản của mình và tài sản của tập thể thì được pháp luật cho phép và được pháp luật khuyến khích

 

“Nhưng pháp luật cũng rất nghiêm minh, có quy định rõ ràng được chống lại những hành vi sai trái của bên xâm hại nhưng phải tương đương với hành vi phạm lỗi mà người xâm hại gây ra chứ không được vượt quá. Trong trường hợp này, gia đình ông Vươn đã vượt quá sự cho phép vì sử dụng vụ khí. Rõ ràng, sử dụng vụ khí, có đặt mìn có thể gây chết người, dù nằm trái với dự đoán của những cá nhân trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Xét ở góc độ khách quan, chủ quan và diễn biến của sự việc đúng là gia đình ông Vươn đã sai theo quy định của pháp luật. Mặc dù vũ khí của gia đình ông Vươn là thô sơ nhưng việc này cũng không thể chấp nhận được. Có điều, vẫn có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong tình huống này. Luật pháp cũng thấy hành vi hình sự của những người dân này để xử lý. Nhưng hình sự ở đây chỉ là giết người vượt quá giới hạn cho phép mà thôi”, luật sư Triển nói.

 

Luật sư Triển cho rằng, nếu áp dụng theo Điều 96 về “Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, trong trường hợp một số cá nhân trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn phạm tội có tổ chức thì có thể áp dụng Khoản 21 của điều này, “giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm. Như phân tích về việc ông Vươn, ông Quý phạm tội lần đầu, thân nhân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể áp dụng theo điều 46 quy định về “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, hoặc theo Điều 47 “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật”.


“Theo quan điểm của tôi, trường hợp của ông Quý, ông Vươn có thể áp dụng hình phạt theo Khoản 2, điều 96 Bộ Luật Hình sự, với những tình tiết giảm nhẹ được áp dụng theo Điều 46 hoặc Điều 47 Bộ Luật Hình sựthì có thể áp dụng khung hình phạt theo Điều 60 “Án treo”. Như vậy, ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị xử từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là hợp tình hợp lý và đúng pháp luật”, luật sư Triển nói.

 

Điều 96. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm. 


Điều 47. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật

 

Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

 

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

 

Điều 60. Án treo


Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

 

Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

 

Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.

 

Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Tòa án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

 

Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc