"Thiên đường tình yêu" trong trại giam

08:27, 25/01/2012
|

Chúng tôi cũng thấy vui lây với sự đoàn tụ cảm động của người chồng là phạm nhân của Trại, khi được gặp vợ con thân yêu ở không gian nhỏ nhưng ăm ắp hạnh phúc này.

Hạnh phúc ngập tràn

Ở phòng chờ của Trại giam Phú Sơn, chúng tôi nhìn thấy nhiều ánh mắt háo hức, mong ngóng đang chờ đợi được gặp người thân của mình ở bên trong cửa trai. Các quản giáo nói rằng, có nhiều gia đình đi đến đây từ tờ mờ sáng, họ ngồi chờ hàng giờ trước cổng, mặc kệ nắng nóng thiêu đốt, không khí ngột ngạt tưởng chừng có thể cháy khô. Điều đó cho thấy, cuộc hội ngộ, sự đoàn tụ có ý nghĩa thế nào đối với mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Mẹ con chị Nguyễn Thị Huề, 35 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định đến trại vào lúc 7h sáng. Hôm nay chị đến để gặp chồng là anh Vũ Tuấn Thức, đang cải tạo tại đây vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Chị Huề bảo, từ vài ngày nay chị đã chuẩn bị đồ đạc để mang đi thăm chồng. Vì nhà xa, xe pháo không tiện đường, nên hôm nay chị quyết định phóng xe từ Nam Định lên Trại ở Phú Sơn để được gặp chồng. Không chỉ thế, chị còn mang theo cô con gái nhỏ 4 tuổi đi cùng để cháu cùng để cháu được gặp bố. Hai mẹ con phóng xe máy gần 200 cây số từ Nam Định lên Thái Nguyên từ lúc tờ mờ đất. Khi ra khỏi nhà đứa bé còn chưa tỉnh ngủ, vẫn gà gật sau lưng mẹ, nhưng với niềm mong mỏi được gặp chồng, gặp cha, nên hai mẹ con đi dọc đường cứ chuyện trò ríu ra ríu rít.

Chị Huề kể rằng, vợ chồng chị có 2 cô con gái nhỏ, vợ chồng bằng tuổi nhau, lại có thời gian tìm hiểu dài trước khi cưới nên rất tâm đầu ý hợp. Hai vợ chồng đều ở nhà làm ruộng, ngoài ra anh Thức chồng chị có thêm nghề chạy xe ôm nên kinh tế gia đình cũng không đến nỗi chật vật. Nhưng khi đứa con thứ hai ra đời thì anh Thức đổ đốn nghiện ngập. Chị Huề không hiểu sao chồng mình lại sa ngã, có lúc ngồi kiểm điểm lại thì chị cho rằng, có lẽ tại thời điểm đó chị sinh con, ít quan tâm đến chồng nên anh thành ra như vậy. Đó là vì thương chồng nên chị nhận trách nhiệm về sự hư hỏng của chồng, chứ thực ra chồng chị mới chính là người phải tự gánh lấy những tội lỗi của mình. Phải rất lâu sau đó chị Huề mới biết chồng mình bị nghiện, khi mà anh Thức đã phải vay mượn tứ tung, thậm chí bán cả chiếc xe máy là cần câu cơm của gia đình để đốt vào khói thuốc. Khi không còn biết phải vay tiền chỗ nào, thì anh Thức đã tham gia buôn bán ma túy. Và chẳng bao lâu sau đó thì anh bị bắt, chịu mức án 10 năm tù giam.

Kể từ khi anh Thức chuyển về thụ án ở Trại Phú Sơn, gia đình chị có nhiều cơ hội gặp nhau hơn. Với giọng rất phấn khởi, chị Huề cho biết: “Ở trong trại, chồng tôi được các cán bộ quản giáo quan tâm, giáo dục cải tạo nên tiến bộ lắm, vì thế nên thường được xét cho gặp người thân. Gần như tháng nào chồng tôi cũng đủ điều kiện được gặp gỡ gia đình, tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Cho dù chồng tôi bị đi cải tạo, nhưng chúng tôi vẫn được gặp nhau đều đặn thế này thì tôi thấy tình cảm chẳng vơi đi chút nào, thậm chí còn thương yêu nhau hơn. Cũng vì chúng tôi vẫn được gặp nhau nên đó cũng là động lực giúp anh ấy luôn cố gắng”. Nói đến đây, trong đôi mắt đẹp của chị Huề lấp lánh hai giọt lệ hạnh phúc.

8h sáng thì cổng Trại mở cửa đón người nhà phạm nhân vào thăm gặp. Chị Huề cùng cô con gái bé nhỏ líu ríu dắt nhau vào, trên vai chị nặng trĩu nào bánh nếp, túm vải thiều và biết bao đồ ăn thức uống nữa mà chị chắt chiu mang đến cho chồng. Hôm nay, anh chị được các cán bộ quản giáo sắp xếp cho thăm gặp riêng ở buồng hạnh phúc, vì trước đó chồng chị đã cải tạo, lao động rất tiến bộ. Sau khi làm xong hết các thủ tục thăm gặp, lúc đứng đợi chồng ở cửa, tôi thấy đôi mắt chị Huề long lanh lệ. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ. Cô con gái nhỏ của chị loanh quanh bên chân mẹ, thi thoảng nó lại ngước mắt lên hỏi: “Mẹ ơi, bố đến chưa?” Và rồi chồng chị đã xuất hiện, vừa thấy vợ con, người đàn ông mặc bộ quần áo kẻ sọc vội nhào đến ôm chầm, miệng không ngừng thơm lên đôi má bầu bĩnh của con gái. Chị Huề cầm lấy chìa khóa mở cửa buồng hạnh phúc. Trước đó chị chia sẻ rằng: “Không ngờ tại một nơi tưởng như chỉ có pháp luật khô cứng này lại có những chỗ riêng tư như thế. Những đôi vợ chồng trẻ như chúng tôi thực sự may mắn và hạnh phúc khi có chỗ như thế này để cảm nhận tình yêu và tiếp tục giữ lửa hôn nhân”…

Căn buồng hạnh phúc hay còn gọi là nhà 24h rộng chừng 10m2, trong đó có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của một gia đình nhỏ. Phạm nhân Vũ Tuấn Thức ngập ngừng đẩy cánh cửa buồng và bước vào bên trong, cả không gian màu hồng tràn ngập trước mắt họ. Đứa bé gái bé bỏng nhìn thấy chú gấu Misa đặt trên chiếc bàn nhỏ vội chạy lại ôm chầm, hai vợ chồng anh Thức cứ đứng ngẩn ra trước không gian vô cùng lãng mạn dành cho họ. Cánh cửa buồng hạnh phúc khép lại, vợ chồng anh chị được tận hưởng 12 tiềng tự do bên nhau, quãng thời gian đủ để họ tâm sự và thỏa những nhớ mong đã dồn nén từ bấy nay…

Ngày về không xa xôi

Ở buồng hạnh phúc bên cạnh là cuộc gặp gỡ, hội ngộ cũng cảm động không kém của gia đình phạm nhân Tống Đức Duy, 23 tuổi, quê ở Đại Từ, Thái Nguyên. Duy phạm tội giết người cướp tài sản, lĩnh án 20 năm tù giam, anh ta vừa chuyển lên trại Phú Sơn được 1 năm nay, và đây là lần đầu tiên Duy được gặp gia đình tại phòng thăm gặp riêng của Trại. Bác Tống Đức Trường và Phạm Thị Xuyên – bố mẹ của Duy đi xe máy lên thăm con từ sáng sớm. Người mẹ gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ trong lúc chờ đợi con cứ khóc suốt. Bác bảo rằng: “Con tôi bị bắt khi mới 18 tuổi, vẫn đang đi học. Tại vợ chồng tôi mải làm ăn buôn bán, không thường xuyên chăm sóc, chú ý đến con nên khiến nó hư hỏng như vậy. Âu cũng là lỗi tại chúng tôi. Nó còn nhỏ dại, có bao nhiêu điều tốt đẹp chờ đợi phía trước, vậy mà chưa gì đã phải vào tù. Nhưng không ngờ khi cháu vào đây, chúng tôi lại được gặp con để gần gũi, động viên nó. Niềm vui này thật quá lớn với chúng tôi”.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Cơ – đội trưởng Đội giáo dục phạm nhân, phân trại số 1 của trại giam Phú Sơn, thì phạm nhân Tống Đức Duy là một trong số những phạm nhân cải tạo tiến bộ trong thời gian qua. Ngày mới vào trại, Duy thường tỏ ra chán nản, chây ỳ và không cố gắng. Thậm chí có lần Duy còn nói ra miệng rằng: “Án tù những 20 năm, có phấn đấu nữa thì cũng về già mới được ra trại, nên chẳng việc gì phải vội vàng”. Tư tưởng buông xuôi như vậy đã khiến Duy bị liệt vào dạng cá biệt vì mức độ vi phạm kỷ luật và nội quy trại diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, Duy phải chịu hình thức kỷ luật là không được thăm gặp người nhà. Và rồi khi được các cán bộ quản giáo gần gũi động viên, giải thích rằng: càng án cao thì càng phải cố gắng, nỗ lực để được giảm án, ngày về với gia đình sẽ ngắn lại. Hơn nữa, nếu cải tạo tốt thì sẽ được thăm gặp gia đình, như vậy sẽ thấy vui và ý nghĩa hơn.

Khi được các quản giáo động viên, giải thích, Duy dần hiểu ra và từ đó đã thay đổi, tích cực cải tạo để được thăm gặp bố mẹ, người thân. Sự cố gắng đó thể hiện ở việc, lúc đầu Duy chỉ được gặp gia đình ở nhà gặp chung, dần dà Duy cố gắng cải tạo thật tốt, lao động chăm chỉ, được các quản giáo và các phạm nhân khác ghi nhận, cuối cùng anh ta được gặp bố mẹ ở nhà thăm gặp 24h. Và hôm nay là lần đầu tiên Duy được gặp gia đình ở nhà 24h. Từ cửa bước vào, vừa nhìn thấy bố mẹ là đôi mắt Duy đã đỏ hoe. Cậu ta nói giọng run run: “Bố mẹ đến lâu chưa? Trời nắng nóng thế này mẹ đi có mệt không?”. Người mẹ có lẽ vì quá thương nhớ con, nên khi vừa nhìn thấy con thì cứ ôm riết lấy, đôi tay gầy guộc của bà cứ nắm chặt lấy tay con, không thì lại vuốt ve mái tóc, chỉnh chang lại quần áo cho con thêm phẳng phiu. Người bố cũng xúc động không kém, ông rót nước cho con, nắm tay con hỏi nó sống thế nào, ánh mắt chan chứa tình cảm của một người cha dành cho đứa con yêu thương của mình.

Duy được gặp riêng với bố mẹ trong 3 giờ đồng hồ. Để có 3 giờ đồng hồ đó, Duy – từ một phạm nhân chuyên vi phạm kỷ luật, tỏ ra bất cần, chán chường, đã thay đổi một cách tích cực và liên tục phấn đấu trở thành phạm nhân cải tạo tốt. Do đó, Duy đã có những phút giây ý nghĩa bên hai người đã sinh thành ra mình ở mảnh đất trại.

Chắc chắn rằng, sau khi các phạm nhân được nhận món quà tinh thần vô giá, đó là được gặp gỡ những người thân yêu của mình ở một nơi mà ai cũng tưởng tằng đã mất quyền tự do cá nhân, thì họ sẽ thấy trân trọng hơn mỗi phút giây hạnh phúc mà họ được tận hưởng. Để từ đó sẽ là bàn đạp để các phạm nhân phấn đấu tốt hơn, cải tạo hơn để nhận phần thưởng lớn hơn nữa, đó là được giảm án, được đặc xá, như thế, đường về với hạnh phúc và gia đình sẽ chẳng còn xa xôi.


(theo PL&CS)

Ý kiến bạn đọc