(VnMedia)- Chỉ thống kê sơ bộ, năm 2011 đã có hơn 30.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó có gần 15.000 vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em, trong đó có những vụ khiến dư luận phải rùng mình.
Trẻ em: nạn nhân đáng thương của bạo lực gia đình
Trẻ em như búp trên cành, nhưng trẻ em lại là đối tượng dễ bị bạo hành nhất. Năm 2011, dư luận nhiều phen phải hoảng hốt về những vụ bạo hành trẻ em.
Ngày 16/11/2011, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Quang (31 tuổi, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống) 20 năm tù về tội “Giết người”. Quang là kẻ tàn nhẫn tẩm xăng thiêu sống bé Linh - đứa con trai bé bỏng của y mới 3 tuổi - hồi tháng 4/2011 khiến dư luận vô cùng phẫn uất.
Nguyên nhân khiến bị cáo Quang xuống tay tàn bạo với chính giọt máu của y là do vợ y kiên quyết xin ly hôn với Quang. Sau 5 năm làm vợ hai của Quang, chị Hà (mẹ bé Linh) vì không chịu được gã chồng vũ phu tàn bạo nên đâm đơn ra tòa. Trong thời gian chờ Tòa đưa ra phán quyết, chị Hà và bé Linh liên tục bị Quang hành hạ. Trước đó, Quang đã từng dùng thuốc chuột hại bé Linh nhưng bị phát hiện. Ngày 21/4/2011 khi được mời đến TAND huyện Nông Cống giải quyết việc ly hôn, Quang đã tưới xăng vào con, dọa đốt chết con nếu chị Hà không rút đơn...
Hôm đó, tòa phải hoãn xử. Không ngờ 6 ngày sau, Quang đã đổ 2 lít xăng vào người con, châm lửa đốt rồi tàn ác bỏ đi. Bé Linh sau đó được người bên ngoại phát hiện, dập lửa, đưa đi cấp cứuBé Linh may mắn thoát chết nhưng toàn bộ khuôn mặt đã bị biến dạng, sẹo toàn thân do bỏng sâu, 10 ngón tay phải tháo khớp, thị lực kém… tổn hại tới 90% sức khỏe.
Một em bé khác cũng bị cha đẻ bạo hành là bé Bùi Xuân Thuận (10 tuổi, ở huyện An Dương, Hải Phòng) bị chính bố đẻ của mình là bị can Bùi Xuân Phong hành hạ. Hoàn cảnh của Thuận rất thương tâm, mồ côi mẹ từ khi 6 tuổi. Người cha bỏ nhà đi lang bạt, để mặc anh em Thuận cho bà nội nuôi nấng. Từ khi người cha Bùi Xuân Phong có vợ mới, hai anh em Thuận phải xa rời vòng tay bà nội để về sống cùng với cha và mẹ kế.
Từ đây, Thuận đã phải chịu sự đánh đập dã man nhiều lần trong suốt một thời gian dài. Người bố tàn ác đã bắt Thuận cởi trần truồng, dùng dây điện có lõi đồng quật tới tấp vào người khiến toàn thân bé Thuận tím đen, chằng chịt sẹo. Tàn nhẫn hơn, thậm chí Phong còn bắt đứa con trai côi cút của hắn phải ăn... phân!
Cơ thể bầm giập của bé Nguyễn Xuân Thuận |
Khi chồng là... quỹ dữ
Rất nhiều phụ nữ bị chấn thương nặng, thậm chí tử vong bởi chính những trận đòn roi "tra tấn", hậu quả của những lần bạo hành do người chồng mình gây ra
Trong số muôn vàn câu chuyện bạo hành trong năm 2011, có lẽ vụ tra tấn dã man người vợ của Nguyễn Tiến Thịnh (trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là khiến nhiều người kinh hãi hơn cả. Chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình, Nguyễn Tiến Thịnh đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh đập "tra tấn" người vợ là Lê Thị Lý trong nhiều ngày khiến chị phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Không chị tra tấn, đánh đập, Nguyễn Tiến Thịnh còn bắt chị Lý xem lại video hắn quan hệ với người tình rồi buộc chị phải quan hệ đúng với những gì diễn ra trong video. Thậm chí Thịnh còn quay lại video lại cảnh đánh đập vợ rồi mở cho chính mẹ vợ xem. Chị Lý chỉ được đưa đến bệnh viện khi may mắn thoát khỏi địa ngục trần gian đó.
Chị Lê Thị Lý sau đòn tra tấn kinh hoàng của chồng |
Người dân tỉnh Hải Dương cũng bàng hoàng với vụ án Vũ Tiến Đại (trú tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đánh chết vợ. Chỉ vì một củ khoai sạn trong khi ăn, Vũ Tiến Đại đã bực tức chửi bới vợ và dùng chân đá mạnh vào mạng sườn của vợ. Thế nhưng cú đá oan nghiệt này đã cướp đi mạng sống của người vợ bao năm chung sống với mình.
Người dân Phú Xuyên, Hà Nội, chắc hẳn vẫn không thể quên vụ án mạng kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 3 mẹ con trong một gia đình. Nạn nhân của vụ án mạng gia đình trên là Vũ Thị Thủy cùng hai con là Vũ Công và Vũ Ngọc Anh.
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, trong lúc “điên loạn” Vũ Văn Thành đã nhẫn tâm dùng dao nhọn đâm chết người vợ và 2 con.
Sau khi ra tay sát hại gia đình, Thành đã tự đâm mình để tự vẫn. Dù được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng hai cháu bé do mất nhiều máu đã chết ngay sau đó, còn chị Thủy và Thành được đưa vào bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch. Chị Thủy sau đó cũng tử vong.
Đàn bà dễ có mấy tay
Góp mặt trong số những người đàn bà ác độc nhất năm 2011 phải kể đến hai người phụ nữ tên Liễu và Minh.
Sáng 17/1, bà Trần Thúy Liễu vợ nhà báo Hoàng Hùng (Báo Người Lao động) đi mua một đoạn dây dù và 20.000 đồng xăng chứa trong bịch nilông đem cất vào tủ. Trưa 17/1, khi không có ai ở nhà, bà Liễu lấy dây dù cột vào lan can nhà ở tầng 1, thắt nút các dây với dụng ý làm hiện trường giả rồi giấu vào góc khuất.
Khoảng 0g ngày 19/1, bà Liễu đi từ phòng ngủ ra lan can thả một đầu dây dù xuống đất, sau đó lấy bịch xăng tạt vào giường ông Hùng đang nằm ngủ và châm lửa đốt. Thấy lửa đã cháy, bà Liễu đi về phòng nằm như không có chuyện gì xảy ra.
Khó có thể hình dung người đàn bà mang bộ mặt xinh đẹp này đã đang tâm đốt chồng! |
Khi ông Hùng bị phỏng tung cửa chạy ra kêu cứu, bà Liễu mới cùng hai con chạy ra dập lửa trên người ông Hùng và cùng kêu cứu.
Sau khi dập được lửa, bà Liễu và những người hàng xóm đưa ông Hùng đến Bệnh viện Đa khoa Long An cấp cứu. Nhưng do vết phỏng quá nặng, ông Hùng tiếp tục được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đến 13g ngày 29/1, ông Hùng tử vong do “choáng nhiễm trùng, nhiễm độc do phỏng”.
Trong những ngày đầu xảy ra vụ án, bà Liễu một mực khẳng định mình không liên quan đến việc ông Hoàng Hùng bị đốt. Bà chỉ khai sang Campuchia để bán khăn lạnh chứ không đánh bạc. Tuy nhiên càng về sau lời khai của bà Liễu bộc lộ mâu thuẫn, đồng thời thừa nhận sang Campuchia đánh bạc hơn 20 lần, có thua tiền.
Vụ án bà Liễu đốt chồng đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Tòa đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng vụ án đã trở thành nỗi ám ảnh quá lớn trong lòng dư luận. Mặc dù bà Liễu đã khai nhận hoàn toàn hành vi không đạo nghĩa của mình, nhưng không ai có thể tin rằng, người phụ nữ với gương mặt ưa nhìn này lại là một sát thủ hung ác...
Những ngày cuối năm 2011, một vụ bạo hành chấn động dư luận khiến dư luận phải lạnh người là vụ vợ giết chồng rồi vứt xác xuống sông để phi tang ở Hà Giang.
Người vợ giết chồng rồi vứt xác xuống sông để phi tang Đỗ Thị Thơ |
Trưa ngày 11/11/2011, Công an tỉnh Hà Giang nhận được tin báo của Công an huyện Vị Xuyên phát hiện một tử thi nổi trên mặt nước tại gầm cầu km 21 thuộc tổ 4 (thị trấn Vị Xuyên). Khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là anh Phạm Văn Lai. Nguyên nhân cái chết được xác định do bị ngạt và có vết thương vỡ sọ não phía bên phải thái dương.
Hung thủ của vụ án chính là vợ của nạn nhân, Đỗ Thị Thơ. Đối tượng khai nhận đã lấy nhau gần 20 năm nay nhưng vợ chồng mình thường xuyên có những bất hòa từ khi anh chồng đổ đốn vì rượu chè. Sáng ngày 10/11/2011, Thơ đi dự một đám hội trong thôn, đến khoảng 12h cùng ngày về nhà và thấy anh chồng lúc đó đã say khướt, vứt hết đồ đạc của mình ra ngoài. Bực tức, người vợ nhặt quần áo đem vào trong nhà và bâng quơ chửi đổng. Người chồng khi ấy đang trong tình trạng say rượu, ngồi ăn cam dưới bếp nghe thấy những lời “láo xược” của vợ thì đuổi theo, phát vào đầu vợ một nhát đau điếng.
Người vợ uất ức vừa đẩy, vừa chửi bới anh chồng nên bị chồng bóp cổ. Hai bên giằng co nhau cùng ngã xuống, mệt rồi thì cả hai thở hổn hển đứng dậy “tạm ngưng chiến”.
Khi nhìn thấy có sợi dây thừng ở gầm giường. Nhặt sợi dây lên, người vợ độc ác đi vòng ra phía sau anh chồng khi đó đang ngồi thở rồi siết cổ chồng. Siết dây được khoảng 5 phút, thấy chồng đã gục xuống đất thì ả mang sợi dây xuống bếp đốt phi tang.
Đáng phẫn nộ trong vụ án này là thái độ vô cảm của hung thủ sau khi gây án. Phi tang vật chứng phạm tội xong, Thơ lên nhà kéo xác chồng vào buồng, khóa cửa nhà và đi sang hộ đám cưới nhà một người trong xóm. Giúp đám cưới đến khoảng 20h cùng ngày, ả khai nhận đi về vào buồng ngủ cạnh xác chồng, đến khoảng 2h sáng ngày 11/11 mới dậy và kéo lê xác chồng lên xe máy đi phi tang.
Người vợ độc ác này đi quãng đường hơn 10km từ nhà đến giữa cầu km 21 Vị Xuyên thì dừng xe, cởi dây buộc xác chồng ra hất xuống sông. Lúc đó trời tối đen nên ả không nhìn thấy gì mà chỉ nghe thấy tiếng thi thể chồng chạm đánh “ùm” xuống mặt nước. Nghĩa là hành vi phạm tội của mình đã được che giấu nên ả vứt dây cao su và dây thừng xuống sông rồi… quay về nhà tiếp tục giấc ngủ.
7 giờ sáng ngày 11/11, hơn một ngày sau khi sát hại chồng, Thơ đi ra địa điểm phi tang để kiểm tra thì đen đủi thay, thấy xác nạn nhân vẫn ở đó và nổi cánh tay lên. Rất bình tĩnh, ả vẫn bình thản lên rủ chị chồng cùng đi ăn cưới. Khi được chị hỏi “Chồng mày đi đâu?” thì hung thủ vẫn tỉnh bơ: “Anh ấy đi uống rượu từ hôm qua, đến sáng nay đưa xe máy về cho em rồi lại đi tiếp”.
Vài tiếng đồng hồ sau đó thì một người trong làng tìm đến thông báo “ngoài đầu cầu 21 có xác chết người ta nói giống chồng em lắm”. Thơ theo người báo tin lao ra bờ sông, vờ mang bộ mặt đau đớn: “Đúng đây là chồng tôi” và ôm xác chồng khóc lóc thảm thiết.
Vĩ thanh
Điều đáng buồn nhất trong các vụ bạo lực gia đình xảy ra ở Việt Nam là vụ việc chỉ được phanh phui khi báo chí lên tiếng hoặc do hàng xóm tốt bụng trình báo. Tâm lý "xấu chàng hổ ai" khiến cho nhiều người không đủ dũng cảm để kể về việc mình bị bạo hành. Có lẽ vì thế, số vụ bạo hành mỗi ngày một tăng.
Bạo lực gia đình ở Việt Nam cũng làm gia tăng số trẻ em vi phạm pháp luật. Số liệu thống kê của Viện KSND tối cao 2008 cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ.
Số liệu điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, bạo lực gia đình đã làm cho gia đình tan nát chiếm 49,7%. Thống kê của TAND tối cao cũng cho chúng ta thấy hậu quả nghiêm trọng của bạo lực gia đình: năm 1998 có 55.419 vụ ly hôn, trong đó 28.686 vụ bạo lực, chiếm 52%, năm 1999 có 52.774 vụ ly hôn, trong đó 29.751 vụ bạo lực, chiếm 56%; năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn, trong đó 32.164 vụ bạo lực, chiếm 62%; trung bình trong 5 năm từ 2000 đến 2005 cả nước có 352.000 vụ ly hôn thì có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình (chiếm 53,1%).
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho rằng, để chấm dứt bạo lực với phụ nữ thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm: “Chúng ta phải đưa ra cơ chế, lập kế hoạch giám sát và đánh giá nhằm biến luật thành hành động; xây dựng cách tiếp cận toàn diện, không chỉ tập trung vào vấn đề bạo lực gia đình mà mở rộng ra cả các vấn đề xã hội khác. Đồng thời cần triển khai cung cấp các gói dịch vụ tối thiểu bao gồm các sáng kiến phòng ngừa bạo lực và các dịch vụ cho nạn nhân và người gây bạo lực. Cũng cần tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác phòng ngừa và giải quyết bạo lực”.
Ý kiến bạn đọc