Chống người thi hành công vụ: Tại ai?

07:07, 10/01/2012
|

(VnMedia)- Theo luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì dân, đoàn luật sư Hà Nội, cần xử lý nghiêm những hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng, cũng cần xem xét về hành vi của những người được giao nhiệm vụ đại diện pháp luật.


>>Chống Công an: Ngày càng hung hãn và liều lĩnh 
 

Có lẽ trong số những vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian qua, vụ nguyên Trung úy Cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc ở TP Hồ Chí Minh chống người thi hành công vụ ngày 28/7 là gây bức xúc hơn cả.

Trên mạng, clip quay hình ảnh Trần Đại Phúc tấn công Thượng sỹ Văn Thành Luân (Đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh) đang làm nhiệm vụ. Thấy Trần Đại Phúc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, Thượng sỹ Luân ra hiệu lệnh dừng xe. Nhưng do cách ứng xử với người vi phạm chưa đúng điều lệnh và chuẩn mực nên gậy chỉ huy giao thông của Thượng sỹ Luân đập vào tay Phúc. Phúc phản ứng lại bằng cách tát Thượng sỹ Luân, dẫn đến xô xát.

 

Việc cả hai người đều đứng trong hàng ngũ của những người đi thực thi pháp luật chống đối nhau đã khiến dư luận thực sự bất ngờ. Đành rằng, cái giá phải trả cho hành vi chống người thi hành công vụ của Phúc là 7 tháng tù giam, Phúc cũng sẽ không còn cơ hội đứng trong lực lượng cảnh sát nhân dân, nhưng, qua sự việc xảy ra này, đã đặt ra nhiều câu hỏi vì sao lại có chuyện chống người thi hành công vụ?

 

 Ảnh minh họa


Xét từ thực tế khách quan, đối tượng chống người thi hành công vụ, đa phần đều xuất phát từ những hành động không có ý thức, thiếu kiểm soát về hành vi cá nhân, bảo vệ sự sai trái cá nhân và sẵn sàng kháng cự lại lực lượng người thi hành công vụ bằng mọi biện pháp.

 

Về phía người thi hành công vụ, do thái độ ứng xử chưa đúng mực của một số cán bộ trong thi hành công vụ và xử lý vụ việc cụ thể, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu kiện lâu năm mà chưa giải quyết được dứt điểm…

 

Quy định của pháp luật về hình sự và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan cũng còn hạn chế, một bộ phận nhân dân nhận thức không đầy đủ hành vi chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính và có thể bị xử lý bằng hình sự….

 

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VnMedia, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành động chống lại người thi hành công vụ nói trên, nhưng trong phòng chống tội phạm thì phải đi tìm nguồn gốc của vấn đề để có biện pháp xử lý, răn đe.

 

Trước hết, người thi hành công vụ là người đại diện cho pháp luật đi thực thi pháp luật, vì vậy, việc chống người thi hành công vụ trong luật đã có quy định xử lý khá nghiêm, có áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình.

 

 Ảnh minh họa


Trong thời gian vừa qua, việc có nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của tội phạm không tốt, thiếu hiểu biết về pháp luật nên có những hành vi không chấp nhận được. Nhiều khi là do đối tượng quá khích, cố ý, đôi khi là do vô thức. Chúng ta phải có thái độ quyết liệt đối với những đối tượng này, để tính nghiêm minh của luật pháp.

 

Tuy nhiên, theo luật sư Triển, cũng phải xem xét lại thái độ và ý thức của người đang tham gia thực thi công vụ có phù hợp không. Bởi trên thực tế, nhiều khi người thực thi công vụ cũng có thái độ hống hách, hay có những lời nói, cử chỉ xúc phạm đến người dân khi thực hiện công việc nên nhiều khi người dân cũng bức xúc và có thái độ chống đối.

 

Mặt khác, cũng cần tìm hiểu xem việc thực thi công vụ pháp luật và vụ việc đi thực thi có đúng đắn không, chuẩn không phù hợp với quy định quy chiếu của luật pháp hay không.

 

“Chúng ta phải chuẩn trong cách trong hành xử, giữa người dân và những người đi thực thi pháp luật may ra mới giảm được những vụ chống người thi hành công vụ”, luật sư Triển nói.

Lời bạt

Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật là nguyên tắc bất di bất dịch ở bất cứ quốc gia nào chứ không riêng gì ở Việt Nam. Vì thế, những vụ chống người thi hành công vụ có lẽ cũng sẽ giảm đi đáng kể nếu như những đối tượng vi phạm pháp luật này hiểu rằng, thượng tôn pháp luật trong mọi tình huống là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân...


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc