Báo động tình trạng chống người thi hành công vụ

18:09, 08/01/2012
|

(VnMedia)- Thống kê sơ bộ, trong mấy ngày đầu năm 2012 đã có khoảng gần 20 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó đáng chú ý nhất là việc các đối tượng bắn chết 1 cán bộ chiến sỹ công an, làm bị thương 7 cán bộ khác đều ở tại Hải Phòng. Đặc biệt là việc chống người thi hành công vụ càng ngày càng trở nên hung hãn và có tổ chức hơn.

 

Chống người thi hành công vụ: Tốc độ tăng chóng mặt

 

Có lẽ chưa khi nào tình trạng chống người thi hành công vụ lại trở nên báo động đỏ như trong giai đoạn hiện nay khi mà các đối tượng có thể sử dụng vũ lực để chống lại người đang thi hành công vụ ở mọi lúc, mọi nơi và trong những tình huống đơn giản nhất.

 

Chiều ngày 5/1, tại cổng trường tiểu học Trần Phú B thuộc Miếu Môn - xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi hai thanh niên phóng xe máy rất nhanh từ cổng trường ra, viên công an xã đã nhắc nhở. Lập tức hai tên côn đồ đã dùng bình xịt hơi cay tấn công. Nạn nhân bất đắc dĩ của thói côn đồ này là ông Trịnh Đức Bắc, sinh năm 1985, là công an viên xã Trần Phú, người được giao nhiệm vụ bảo vệ ở khu vực trường này. Ông Bắc phải đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Chương Mỹ. Còn hai kẻ hung hãn này đã bị bắt ngay sau đó.

 

 Ảnh minh họa


Cũng gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng không khác gì ông Bắc, một công an viên tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cũng bị một gã say rượu đâm trọng thương vào ngày 6/1. Kẻ có máu côn đồ chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng là Nguyễn Hoàng Phương (SN 1989, ngụ ấp Hòa Thới, xã Nguyễn Văn Thảnh).


Rạng sáng cùng ngày, Phương nhậu say về quậy phá gia đình, hàng xóm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, công an viên xã, đang trực ban nghe người dân phản ánh vụ việc nên cùng các công an viên khác đến xử lý. Lúc này, Phương đang cầm mảnh kiếng vỡ dài gần 1m hăm dọa người xung quanh nên anh Tuấn cùng đồng nghiệp tìm cách khống chế, đoạt lấy tấm kiếng. Bất ngờ, Phương rút dao giấu trong người đâm anh Tuấn 2 nhát ngay vùng bụng, 1 nhát vào lưng. Người dân và công an xã đã đưa anh Tuấn đi bệnh viện cấp cứu.

 

Vào khoảng 1 giờ 45 sáng 2/1, tổ tuần tra Công an xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh tiến hành tuần tra địa bàn. Khi đến đoạn đường Hương lộ 2 thuộc ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, tổ tuần tra phát hiện Nguyễn Thuận Hưng (20 tuổi) cùng hai thanh niên khác là N.H.T (30 tuổi) và N.H.S (18 tuổi, cùng ngụ huyện Củ Chi) dựng xe máy tụ tập trên đường, gây cản trở giao thông.

 

 Ảnh minh họa


Tổ tuần tra đề nghị ba thanh niên xuất trình giấy tờ để kiểm tra hành chính thì nhóm người này không đáp ứng yêu cầu. Khi Phó công an xã Phan Văn Hoàng mời ba đối tượng kể trên về trụ sở làm việc thì Hưng lớn tiếng chửi bới, xúc phạm các chiến sĩ công an. Thậm chí, khi một dân quân tự vệ xã đến đưa xe gắn máy của Hưng về trụ sở công an, Hưng đã xông vào hành hung người này.

 

Ngày 7/1, Đoàn Văn Thêm (22 tuổi) đang lưu thông trên QL 25, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, Gia Lai nhưng có hành vi vi phạm luật giao thông nên bị tổ CSGT Công an H.Phú Thiện dừng xe xử lý. Thêm không chấp hành mà đã xông đến đấm vào mặt anh Lân gây thương tích.

 

Vụ chống người thi hành công vụ hung hãn nhất trong năm 2012 phải kể đến là việc một đối tượng rút súng bắn thẳng vào đầu binh nhất Đỗ Đăng Long vào lúc 1h35 phút sáng 2/1 làm binh nhất Đỗ Đăng Long hy sinh.

 

Còn sáng 5/1, trong một vụ cưỡng chế tài sản tại xã Vinh Quang – Tiên Lãng - Hải Phòng đã xảy ra một vụ nổ súng, khiến 6 người bị trọng thương. Trong số đó, có cả đồng chí Thượng tá Phạm Văn Mải - Trưởng Công an huyện. Đến thời điểm này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ, đồng thời tạm giữ sáu người liên quan đến vụ đặt mìn, xả súng bắn trọng thương công an.

 

Vấn đề khó hiểu là, với những hành vi chống đối người thi hành công vụ, trước sau gì các đối tượng cũng sẽ bị pháp luật xử lý. Nhưng, lý do gì, các đối tượng càng ngày càng tỏ ra hung hãn đối với những công bộc của người dân?

 

Trong 0,09 giây nếu gõ từ khóa “Chống người thi hành công vụ” trên google, sẽ có 42 triệu kết quả. Còn theo thống kê của Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm từ năm 1998 đến nay, đã có gần 90 cán bộ chiến sỹ cảnh sát hy sinh; trên 1.000 cảnh sát bị thương, bị phơi nhiễm HIV, cho thấy tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều vụ ngang nhiên, công khai, trắng trợn.

 

Trong một thống kê về tình hình an ninh trật tự xã hội năm 2011 cho thấy, trong năm 2011 đã xảy ra 761 vụ, trong đó có 383 vụ chống lại lực lượng công an, tăng 6,9% so với năm 2010. Thống kê cũng cho thấy hành vi chống đối manh động, liều lĩnh hơn trong đó chủ yếu chống Công an, Kiểm lâm, Thanh tra giao thông…

 

Đáng chú ý, tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ không những không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, còn ngang nhiên chống đối, lao ôtô, xe máy vào CSGT, xâm phạm sức khỏe và sự tôn nghiêm pháp luật. Các vụ chống người thi hành công vụ được Công an các địa phường điều tra, xử lý nghiêm. Trong năm, 3 clip gây xôn xao cộng đồng mạng liên quan một nữ sinh lớp 12 Phạm Thị Mỹ Linh lăng mạ CSGT, clip CSCĐ Trần Đại Phúc (TP HCM) tấn công CSGT, clip Nguyễn Thị Luyện xô xát CSCĐ trên phố... được CQĐT vào cuộc, khởi tố, làm rõ. Nữ sinh lớp 12 Mỹ Linh lĩnh án 9 tháng tù, CSCĐ Phúc bị tước quân tịch, truy tố, còn “yêng hùng” Nguyễn Thị Luyện cũng đã bị khởi tố.

 

Riêng trên địa bàn Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: trong năm 2011, trên toàn địa bàn Hà Nội xảy ra 186 vụ chống người thi hành công vụ, trong số này có tới 46 vụ là chống đối lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).


“Có những năm cao điểm là khoảng 200 vụ chống người thi hành công vụ. Số cán bộ bị chống lại chủ yếu là CSGT, cảnh sát cơ động và công an cấp phường. Việc chống lại người thi hành công vụ thường xảy ra khi lực lượng công an xử lý giao thông, tuần tra kiểm soát ban đêm của lực lượng cảnh sát cơ động và công an cấp cơ sở kiểm tra các hàng quán kinh doanh hoạt động ngoài giờ quy định", Trung tướng Nhanh cho biết.

 

Việc những vụ việc chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều cho thấy việc thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân đang có “vấn đề”. Việc ngăn cản hành động chống đối này cũng không phải chỉ thuộc trách nhiệm của ngành công an. Bởi, chính Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh cũng phải thừa nhận là tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra ngay cả khi lực lượng chức năng nổ súng cảnh cáo. Có nhiều vụ tội phạm ngang nhiên hành hung lực lượng chức năng, giải cứu đồng bọn, cướp lại tang vật, gây thương vong cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ như vụ ở Hòa Bình, làm 1 cảnh sát hy sinh, 1 cảnh sát bị thương; vụ ở Đồng Nai làm 1 cảnh sát bảo vệ dân phố hy sinh; vụ ở Hải Phòng làm 3 cảnh sát bị thương.

 

Sống và làm việc theo pháp luật là một quy định bắt buộc và bất cứ người dân nào cũng phải tuân theo. Trong khi lực lượng chức năng dường như “bó tay” với những kiểu chống người thi hành công vụ, thì rất cần tiếng nói lên án của gia đình và cả xã hội đối với những hành vi đáng trách này…


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc