Trong năm 2011, ngành Tư pháp có rất nhiều sự kiện xảy ra. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp trong năm 2011 do Bộ Tư pháp vừa công bố:
1. Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; các cơ quan Tư pháp được giao nhiệm vụ thường trực
Ngày 28/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1695/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo như vậy, thể hiện trách nhiệm và sự chủ động của Chính phủ đối với công việc hệ trọng này của đất nước. Bộ Tư pháp được phân công làm cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành Trung ương và các Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ thường trực giúp việc cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Đây là vinh dự đồng thời cũng là trọng trách lớn của Ngành, tăng cường vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
2. Bộ Tư pháp đứng đầu trong Bảng xếp hạng các Bộ về hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh (MEI 2011)
Lần đầu tiên một nghiên cứu chính thức “chấm điểm” 14 Bộ về công tác xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam thực hiện. Với sự cảm nhận đánh giá của 207 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho 419.641 doanh nghiệp dựa trên 6 tiêu chí xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh trong năm 2010 của các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp đạt điểm cao nhất. Đây là sự phản ánh nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện tốt chức năng xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật về kinh doanh nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định.
3. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai chiến lược đầu tiên trong các lĩnh vực quản lý của Ngành Tư pháp
Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, năm 2011, Bộ Tư pháp đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Việc ban hành hai chiến lược đầu tiên trong các lĩnh vực quản lý của Ngành đánh dấu bước đổi mới trong tư duy quản lý của Ngành đối với việc phát triển các lĩnh vực, nghề nghiệp tư pháp.
4. Kết quả Thi hành án dân sự đạt được cao nhất từ trước đến nay, việc thí điểm chế định Thừa phát lại được xã hội đón nhận tích cực
Trong bối cảnh kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình trạng lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nhiều mặt đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, song kết quả Thi hành án dân sự của cả nước năm 2011 đạt tỷ lệ hoàn thành 88% về việc - cao nhất từ trước tới nay, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương. Sau một thời gian ngắn thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, chế định Thừa phát lại đã đi vào hoạt động có hiệu quả, được xã hội đón nhận tích cực; qua sơ kết, đã có 02 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình.
5. 1339 người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được nhập Quốc tịch Việt Nam, trở thành công dân Việt Nam
Thực hiện Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Ngành Tư pháp đã giúp Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, lập danh sách và hồ sơ trình Chủ tịch nước; Chủ tịch nước đã quyết định cho phép 1.339 người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam một cách thuận tiện, đơn giản, nhanh gọn. Nhiều người trong số đó đã kịp thực hiện quyền chính trị công dân của mình - lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu tại cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
6. Dấu ấn quan trọng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 19/4/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Kết luận số 04-KL/TW về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và vai trò, ý nghĩa của công tác này trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong năm, mô hình “Ngày Pháp luật” được triển khai rộng khắp, khẳng định một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã được trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai với sự đồng thuận cao của các Đại biểu.
7. Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đang thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, giảm bội chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Công tác bán đấu giá tài sản, nhất là bán đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã có nhiều khởi sắc. 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chuyển giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất sang các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả bán đấu giá đạt cao hơn nhiều so với trước đây, tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách, thiết thực góp phần tiết kiệm, chống lãng phí theo các Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
8. Tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam - Lào lần thứ nhất
Lần đầu tiên sau hơn 30 năm hợp tác truyền thống, toàn diện, hữu nghị, Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam - Lào đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam - Lào, phát triển quan hệ hợp tác theo hướng thực chất, hiệu quả trên một tầm cao mới cả về chiều rộng và chiều sâu, giúp cho các cơ quan tư pháp địa phương hai nước phối hợp với nhau giải quyết tốt các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, nhất là vấn đề hộ tịch của công dân biên giới hai nước, góp phần giữ gìn sự bình yên đường biên giới, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phồn vinh của khu vực và thế giới.
9. Công tác đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp có bước phát triển quan trọng
Ngày 04/12/2011, tại Phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận thống nhất việc đào tạo chung thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tạo cơ sở quan trọng cho Học viện Tư pháp và Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện một trong những chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
iếp theo Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột và Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên là trường Trung cấp Luật thứ ba được thành lập. Đây là cơ sở đào tạo luật đầu tiên của Bộ đặt tại Thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn cán bộ pháp luật cơ sở cho khu vực này.
10. Pháp chế Ngành có vị thế mới, vững chắc
Với việc Chính phủ ban hành Nghị định mới số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, sau hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, lần đầu tiên hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan pháp chế đã được quy định cứng tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nghị định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý và địa phương. Nghị định cũng quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.
Ý kiến bạn đọc