Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc xác định nguyên nhân Hòn Thiên Nga trên vịnh Bái Tử Long mới đây đã bị 'mất đầu', tuy nhiên việc khôi phục nguyên trạng gần như không thể.
“Thiên Nga” đã mất đầu vĩnh viễn - Ảnh VTC |
Trưa 18/7, trả lời phỏng vấn PV, ông Trần Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn vịnh Bái Tử Long cho biết, vừa qua Trung tâm đã nhận được thông tin về vụ việc Hòn Thiên Nga trên vịnh Bái Tử Long bị “mất đầu” và đã báo cáo cơ quan chức năng cấp trên để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, qua khảo sát ban đầu có thể nhận định đây là một hiện tượng địa chất tự nhiên diễn ra với nguồn gốc đá trầm tích, qua thời gian và biến đổi của thời tiết dẫn đến trượt lở. Do đây là những lớp đá vôi xếp chồng lên nhau chứ không phải đá nguyên khối nên khi rơi xuống biển sẽ vỡ thành nhiều mảnh và việc khôi phục lại nguyên hiện trạng ban đầu là khó khả thi.
Hòn Thiên Nga trước khi bị mất đầu |
Trước đó, hồi đầu tháng 6, trong chuyến đi sáng tác của hội nhiếp ảnh huyện Tiên Yên tại vịnh Bái Tử Long, ông Cấn Đình Loan (thuộc Hội nhiếp ảnh huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) phát hiện việc Hòn Thiên Nga trên vịnh Bái Tử Long bị mất phần đầu.
Do thường xuyên sáng tác tại đây nên khi đi qua địa điểm trên, ông Loan giật mình thấy Hòn Thiên Nga không còn như trước nên đã chụp hình lại, sau đó đăng trên Facebook cá nhân để so sánh với những bức ảnh trước đó với sự tiếc nuối về một kỳ quan thiên nhiên ban tặng đã mất đi vĩnh viễn.
“Không ai có thể dửng dưng trước thực tế đó. Biết rằng là do thiên tai nhưng cũng tiếc nuối lắm chứ. mất một kỳ quan vĩnh viễn thấy đau lòng” - ông Cấn Đình Long chia sẻ.
Hòn Thiên Nga nổi tiếng với hình thù giống như một con thiên nga đang bập bềnh trên sóng nước, gồm có ba vạt đá lớn: Hai khối đá ở trên tạo thành hình đầu và cổ thiên nga, khối đá lớn tạo thành thân thiên nga, đuôi chính là đám cây xanh bám trên vách đá.
Theo VTC
Ý kiến bạn đọc