(VnMedia) - Theo lịch, từ ngày 29/4 đến 5/5 tại Công viên Biển Đông, Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2016 sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, trước tình trạng thông tin gây hoang mang dư luận là cá chết trôi dạt vào Bãi Đa (Bán đảo Sơn Trà) và bờ biển Đà Nẵng, liệu mùa du lịch có thể bắt đầu suôn sẻ!
Diễn ra từ ngày 29/4 đến 5/5, tại Công viên Biển Đông, Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2016 sẽ tạo một không gian lễ hội đa dạng mang tính cộng đồng cao với nhiều hoạt động vui chơi giải trí để người dân và du khách dễ dàng tham gia.
Lễ khai mạc & phát động tháng Kiểu mẫu văn minh du lịch biển vào lúc 16h30 ngày 29/4/2016. Tiếp đó là chuỗi các hoạt động giới thiệu tiềm năng du lịch Bán đảo Sơn Trà & các bãi biển (8h00 ngày 27/4/2016 tại Khách sạn Holiday Beach); Chương trình âm nhạc tại sân khấu BNF (19h30 – 22h hằng đêm tại Công viên Biển Đông); đồng diễn Flashmob bikini (17h15– 17h30 ngày 29/4/2016 tại Công viên Biển Đông); Ngày hội miền biển với các hoạt động mang đậm nét ngư dân miền biển: Đua thúng, gánh cá, đan lưới, kéo co dưới nước của các ngư dân ven biển (16h00 – 17h00 ngày 29/4/2016, tại bãi biển trước Công viên Biển Đông); Giải đua Kayak vượt sóng Mỹ Khê lần 3 (16h00 – 17h30 ngày 30/4, Công viên Biển Đông); Vũ điệu thể thao (19h00 – 21h30 ngày 2-5) tại Công viên Biển Đông)…
Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác diễn ra thường xuyên trong các ngày lễ hội như Triển lãm ảnh đẹp Đà Nẵng & đa dạng sinh học Sơn Trà với các hình ảnh đẹp về Thành phố Đà Nẵng lồng ghép hình ảnh về đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà; Coloring posters DaNang 2016 – Tô màu trên giấy “Chung tay bảo vệ Vooc chà vá chân nâu và hưởng ứng năm văn hóa văn minh đô thị”: Với các bộ hình vẽ về môi trường đặc biệt về loài vooc chà vá chân nâu quí hiếm, qua hoạt động tô màu của các cháu thiếu nhi sẽ gửi thông điệp hiệu quả đến người dân và du khách. Beach Libraly:
Tạo không gian cho các bậc phụ huynh, các em học sinh sinh viên, người dân và du khách tham gia lễ hội có thêm cơ hội đọc sách, trao đổi sách, kiến thức góp phần hướng ứng phong trào đọc sách, văn hóa đọc của người dân thành phố. Các môn thể thao giải trí biển: với các loại hình thể thao giải trí biển hấp dẫn như Cano kéo dù, phao chuối. Không gian âm nhạc “Puplic drum – piano – vilon”…
Đặc biệt vào lúc 19h00 – 22h00 ngày 01/5 sẽ diễn ra hoạt động Đêm Mỹ Khê, du khách sẽ được khám phá bầu trời đêm trên bãi biển qua kính thiên văn. Chương trình do hội thiên văn Đà Nẵng tổ chức, hướng dẫn học sinh, sinh viên trải nghiệm ngắm bầu trời đêm bằng thiết bị chuyên dụng. Và “Ngày hội Sơn Trà xanh” nhằm hưởng ứng chương trình khai trương mùa du lịch biển năm 2016, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp tại bán đảo Sơn Trà; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách về bảo vệ môi trường khi tham quan bán đảo Sơn Trà. Thời gian từ 7h00 – 10h00 ngày 03/5.
Tuy nhiên, thông tin từ một số cơ quan báo chí và mạng xã hội về tình trạng trong 5 ngày qua có cá chết trôi dạt vào Bãi Đa (Bán đảo Sơn Trà) và bờ biển Đà Nẵng khiến nhiều du khách nghi ngại về độ an toàn của mặt nước và hải sản ở đây nên lưỡng lự đi du lịch Đà Nẵng trong đợt nghỉ lễ 30/4 này dù đã đặt vé, đặt tour.
Đã tìm được 17 con cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng |
Trước tình hình này, TP. Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác đến hiện trường xác minh thực tế. Đến cuối giờ chiều qua, 27/4, tổ công tác đã có những phát ngôn về sự việc đầu tiên.
Theo đó, qua kiểm tra thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát hiện 17 con cá bị chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng đã phân hủy mạnh, trong đó, tại khu vực Bãi Đa có 3 con cá chết trôi dạt vào, thuộc các loại cá nóc nhím, cá dìa, cá mó; tại khu vực ven biển từ Thọ Quang - Hòa Hải có 14 con cá chết thuộc các loại cá chình, cá dò, cá dìa, cá bò da, cá nhói, cá đuối, cá nhồng.
Theo các ngư dân, người dân cho biết trong mấy ngày qua số cá trên bị chết, trong tình trạng đã phân hủy, trôi dạt vào bờ là bình thường. Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác của ngư dân một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài cá bị chết, lâu ngày dạt vào bờ.
Hiện nay, các phương tiện hoạt động khai thác hải sản và các hộ nuôi lồng, bè vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc cá biển chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung, tâm lý chung của người dân là có chút e ngại khi ăn cá biển dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khai thác tại các chợ giảm mạnh. Việc tiêu thụ sản phẩm khai thác của các tàu hiện gặp khó khăn do sản phẩm bán tại chợ đầu mối (tiêu thụ nội địa) giảm mạnh dẫn đến doanh thu của các tàu cũng giảm theo, giá bán sản phẩm cân xô cho nhà máy giảm 10.000đ – 15.000đ/kg so với bán tại chợ đầu mối.
Chi cục Thủy sản hiện đang tăng cường phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một diễn biến khác liên quan đến sự việc được biết, để có câu trả lời chính xác về việc nước biển ở Đà Nẵng có thể tắm không khi xuất hiện cá chết, trả lời báo chí, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết, Sở đã cử các cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật môi trường Đà Nẵng đi lấy mẫu nước biển xét nghiệm nhằm trả lời cho công chúng biết là các bãi biển của Đà Nẵng có tắm được hay không? Đến cuối giờ chiều 27/4, Trung tâm Kỹ thuật môi trường đã phân tích được 4 chỉ tiêu, sáng 28/4 sẽ tiếp tục phân tích thêm 1 – 2 chỉ tiêu nữa.
“Người dân và khách du lịch đang trông chờ kết luận chính thức về việc nước biển Đà Nẵng có bị ảnh hưởng độc tố hay không, nên chúng tôi chỉ đạo anh em làm khẩn trương. Đến chiều 28/4 sẽ có kết quả phân tích của Trung tâm Kỹ thuật môi trường. Ngoài ra, còn một số chỉ tiêu khác mà Trung tâm không xét nghiệm được thì sẽ gửi mẫu đến một số cơ quan, đơn vị chức năng của trung ương đóng trên địa bàn TP để phân tích. Kết quả phân tích các chỉ tiêu này có thể sẽ có sau đó 1 – 2 ngày!” – ông Nguyễn Điểu cho hay.
Như vậy, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc biển Đà Nẵng có thể tắm không.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bạn đọc