(VnMedia)- Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Quy Nhơn, Bình Định những bãi biển tràn ngập ánh nắng, mặt nước trong xanh. Nhưng ở nơi đây, còn rất nhiều thắng cảnh bạn không thể bỏ qua nếu ghé thăm vùng Đất Võ Trời Văn này...
Bãi Trứng
Bãi Trứng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông – Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách với vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ.
Ngoài tắm biển, đến đây, bạn có thể tham quan vẻ đẹp của Ghềnh Ráng, quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng thành hang, thành rạng, ghé mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, tìm hiểu về Lầu Ông Hoàng đó với ánh trăng treo nghiêng nghiêng, hay xuôi ra đảo có tên là Hòn Đất Bi khám phá những hang động kỳ thú.
Biển Quy Hòa
Cách Bãi Trứng chỉ một quả đồi đi về phía Nam là biển Quy Hoà nép mình cạnh trại phong Quy Hoà.
Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm đềm với bờ cát mịn trải dài ngày đêm đùa nghịch với con sóng nhỏ, nước trong vắt và những hàng dương xanh ngát đung đưa theo tiếng gió, tiếng chim ríu rít hoà lẫn trong tiếng sóng tạo cảm giác thanh bình và yên ả. Sau khi vui đùa với sóng, bạn có thể mua vé vào tham quan trại phong Quy Hoà. Trái với tên gọi và căn bệnh, trại phong có không gian thoáng mát, thơ mộng với những kiến trúc đa dạng, cầu kỳ bên những con đường uốn lượn, quanh co. Ấn tượng nhất là một vườn tượng với những bức tượng bán thân đầy sinh động của các nhà khoa học, bác học, bác sĩ… nổi tiếng trên thế giới.
Bãi Bàu
Bạn tiếp tục đi về phía Nam theo con lộ Quy Nhơn – Sông Cầu là Bãi Bàu, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15km. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Bãi Bàu là một bãi biển êm đềm, tuyệt sạch và yên bình nhờ bao bọc bởi hai dãy núi nhô ra biển.
Ngoài biển xanh, cát vàng cùng những đợt sóng nhẹ, Bãi Bàu còn sở hữu những ghềnh đá, đồi núi nhấp nhô vươn ra mé biển, vì thế nếu thích cảm giác mạnh, bạn có thể tham gia các trò chơi như nhảy ghềnh, leo núi…. Khi đã thấm mệt, đừng quên thả người trên cát, vừa thư giãn vừa thưởng thức những hải sản nổi tiếng của nơi đây như sò huyết Ô Loan (Phú Yên đưa ra), cá thu chấm với nước mắm Ông Già.
Bãi Xép
Cùng một cung đường là Bãi Xép.
Ngoài lợi thế của một bãi tắm đẹp, Bãi Xép cũng xanh mát với vườn cây ăn quả, rừng dừa, rừng dương, bãi cỏ… khiến bạn có cảm giác đang ở một vùng quê yên tĩnh hơn là vùng biển sóng vỗ rì rào. Từ Bãi Xép, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của bán đảo Phương Mai, hòn Ngang, hòn Đất và vịnh biển Quy Nhơn xinh đẹp. Nằm trong khu sinh thái rừng biển nên nếu thích mạo hiểm, bạn có thể đi ngược về phía Tây khoảng 1 km, đến suối Vàng, sẽ bắt gặp một vùng thiên nhiên hoang dã với rừng cây, thác nước đầy thơ mộng...
Bãi Dại
Sự kết nối của cung đường biển trong xanh này ôm gọn những khối đá co cụm nhiều hình dáng rải rác trên bờ và dưới biển mang đến cho Bãi Dại vẻ đẹp thơ mộng và góc cạnh.
Vẻ đẹp của Bãi Dại có thể làm mềm lòng cả những vị khách khó tính nhất. Sau khi vùng vẫy thoả thích trong làn nước trong vắt, bạn có thể tìm cho mình bóng râm giữa các khối đá lớn, ngồi câu cá hay đong đưa trên những chiếc võng ở các nhà chòi cạnh biển nghe tiếng sóng, tiếng gió, cả tiếng đàn, sáo vi vu vang lên từ các chòi bên cạnh.
Bãi Nhổm
Tuy nhỏ nhưng Bãi Nhổm nổi bật với triền núi đá hoa cương đỏ trải dài ra biển và màu xanh của rừng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp.
Cũng như các bãi biển khác của Quy Nhơn, biển Bãi Nhổm có độ dốc thấp, sóng nhẹ, nước trong xanh.
Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Đây là một trong những bãi tắm đẹp của biển Quy Nhơn và trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng của thần tiên. Ghềnh Ráng cách Trung tâm thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định khoảng 3km về phía Đông Nam. Đến nơi đây du khách sẽ có được cảm giác tuyệt vời khi giẫm bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ, nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Hai bên ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa như pháo thăng thiên.
Một góc khu du lịch Ghềnh Ráng. |
Đến đây du khách còn được đắm mình trong không gian yên tĩnh, hài hòa của gió núi và sóng biển. Bãi tắm Hoàng Hậu - món quà của thiên nhiên ưu đãi cho vùng "đất võ trời văn". Còn tên Ghềnh Ráng thì do những người đi biển đặt ra. Qua những nơi nhiều gành, lắm rạn, người ta phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra cho thuyền đi chậm lại. Theo ngư dân trong nghề đi biển gọi là ráng. Đi ngang qua bãi đá Nhạn Châu, người ta phải thường làm như thế. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Ghềnh Ráng.
Đầm Thị Nại, Bán đảo Phương Mai
Phía Đông Bắc Quy Nhơn là đầm lớn chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần 4 cây số. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắc của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng hán thành Thị-lị-bì-nại.
Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên đầm Biển Cạn. Trong đầm ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên miếu này vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thủy thần.
Thắng cảnh Hầm Hô
Danh thắng Hầm Hô cách thành phố Qui Nhơn hơn 55 km về hướng Bắc, thuộc địa phận thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần ba kilômét, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng. Làm dịu đi vẻ hiểm trở của những vách đa nhấp nhô là những lùm cây xanh mướt. Nhưng bụi sim, mua lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây. Điểm xuyết vào đó là những cây cổ thụ im lìm như đang trầm mặc suy tư. Xa xa là những rừng hoa ngâu đốm vàng với lác đác những khóm hoa mai trắng ẩn hiện. Cây cối mọc lâu ngày, rễ rủ như tóc xõa, soi bóng xuống mặt nước lung linh, với từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước.
Suối khoáng Hội Vân
Đi về phía nam, đến địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát có một suối nước nóng đã nổi tiếng từ lâu.
Suối phát nguyên từ vùng núi thấp phía bắc, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói tỏa nghi ngút giống như một chảo nước nóng đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc. Chếch xa xa về phía Đông-Bắc là dãy núi Bà hùng vĩ, vào những ngày lạnh trời, nhất là vào những lúc sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mây mờ mờ làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi trời nắng nóng, sương mù tan biến trả lại cho mặt nước một khoảng không trong vắt, có thể nhìn thấu những vòi nước phun lên từ đáy, giống như những con rồng đang giỡn đùa giữa dòng nước. Quanh miệng hồ là những dải cát dài trắng mịn làm thành một bãi phơi nắng lí tưởng.
Đảo yến Quy Nhơn
Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yếu nằm trên bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen…và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía Nam mang tên Hòn Yến. Cứ mỗi mùa xuân đến tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau từng đàn đông nghịt đến đây làm tổ. Chính vì vậy mà mũi đất tận cùng của bán đảo cũng được gọi là Mũi Yến.
Bán đảo Phương Mai như một con khủng long khổng lồ nằm che chắn sóng to gió lớn cho thành phố Quy Nhơn. Thiên nhiên nơi đây vừa tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, vừa ban tặng cho con người một kho báu mà không phải nơi nào cũng có. Đó là yến sào (tổ chim yến)-một đặc sản cao cấp được cả thế giới ưa chuộng.
Hải đăng ở Nhơn Châu
Đến đảo Nhơn Châu (Cù Lao Xanh), thuộc thành phố Quy Nhơn, bạn đừng bỏ qua cơ hội lên thăm hải đăng Nhơn Châu, ngọn đèn biển cao và hiện đại nhất Việt Nam.
Hải đăng cao 118 mét so với mực nước biển, trong đó tháp đèn cao 16m, đường kính rộng 3m. Bóng đèn 12V, công suất 100W, được khuếch đại qua thấu kính đặc biệt có thể chiếu xa 25 hải lý.
Ý kiến bạn đọc