(VnMedia) - " Việc chủ đầu tư bán nhà có thu tiền nhưng chưa kê nộp thuế sẽ xử phạt. Nặng hơn, nếu doanh nghiệp cố tình trốn lậu thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển cơ quan điều tra" - bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội) cho biết khi trao đổi với VnMedia .
- Phóng viên: Thưa bà, hiện nay có những dự án nợ tiền sử dụng đất rất nhiều nhưng họ vẫn bán trên thị trường, không khai báo nộp thuế sử dụng đất, ngành thuế có biện pháp gì?
Bà Nguyễn Hải Yến: Để hoàn thành việc thu ngân sách năm 2015, trong đó có việc thu tiền sử dụng đất, Cục thuế Hà Nội ngay từ đầu năm đã ban hành nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 7 nhiệm vụ trọng tâm và 9 nhóm giải pháp, trong đó đôn đốc, thu tiền sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà các cuộc họp giao ban của Cục thuế Hà Nội đều được đưa ra thảo luận.
Cục thuế Hà Nội cũng chỉ đạo, yêu cầu các phòng và 39 chi cục thuế rà soát các dự án có nộp thuế trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến số nợ, phân loại đối tượng nợ cụ thể, từ đó có biện pháp thu hồi nợ đọng cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế |
Thứ nhất, Cục Thuế Hà Nội cũng làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để xác định nguyên nhân trên cơ sở là báo cáo kê khai nộp thuế. Nếu có nguyên nhân chủ quan hay khách quan đưa lại thì cơ quan thuế sẽ yêu cầu chủ đầu tư làm cam kết nộp tiền sử dụng đất.
Thứ hai, phối hợp với uỷ ban nhân dân quận, huyện đôn đốc nộp thuế, UBND quận, huyện sẽ mời chủ đầu tư lên làm việc trực tiếp để xác định nguyên nhân.
Biện pháp thứ ba thuộc về quy trinh của cơ quan thuế. Đó là chúng tôi xác định rõ số nợ, tập trung phát hành thông báo nợ, xác định số nợ chậm nộp, trên cơ sở đó thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ như trích tiền từ tài khoản chủ đầu tư.
Nếu tài khoản của chủ đầu tư không có tiền thì cơ quan thuế sẽ áp dụng tiếp biện pháp cưỡng chế như thông báo những hoá đơn không có giá trị sử dụng. Tiếp theo đó, nếu chủ đầu tư thu tiền mặt mà không kê khai, cơ quan thuế sau khi cưỡng chế sẽ công khai danh sách các chủ đầu tư nợ trên địa bàn để khách hàng và các đối tác có thể năm bắt được khả năng tài chính của các chủ đầu tư cũng như tình hình chấp hành chính sách thuế với nhà nước.
Cơ quan thuế cũng sẽ tập trung đôn đốc các trường hợp còn nợ thuế. Với nỗ lực của ngành thuế thì 6 tháng qua, ngành thuế cũng đã tập trung vào việc thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu.
Tính đến tháng 6/2015, số thu đối với các chủ đầu tư dự án trên địa bán Hà Nội là 3.274 tỷ đồng, tương đương 71,2% so với dự toán về tiền sử dụng đất, trong đó các biện pháp tập trung vào thu nợ 1,163 tỷ đồng của 55 dự án. Tuy nhiên, hiện vẫn cón 56 dự án còn nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc việc thu hồi nợ từ các dự án này, phân tích các nguyên nhân của đối tượng nợ, có biện pháp phù hợp và trong tháng 7 này sẽ công khai toàn bộ danh sách các dự án còn nợ tiền sử dụng trên địa bàn để các tổ chức, đối tác, khách hàng tham gia vào dự án này nắm được.
- Thưa bà, việc cưỡng chế về hoá đơn thực tế có đạt được hiệu quả không và các doanh nghiệp có ngại việc này không?
Trong quản lý thuế thì biện pháp cưỡng chế hoá đơn là biện pháp cuối cùng để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó là tuyên truyền đôn đốc bằng cách phát hành các thông báo nợ, yêu cầu mới chủ đầu tư lên viết cam kết trong quá trình thực hiện.
Chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với khách hàng, hoá đơn chứng từ là bằng chứng để thể hiện việc tiền của khách hàng được chủ đầu tư nhận và cam kết thực hiện.
Việc thực hiện bằng hoá đơn là căn cứ quan trọng để chủ đầu tư kê khai nộp thuế, nên cưỡng chế hoá đơn cũng chỉ là biện pháp cuối cùng, cơ quan thuế cũng không mong muốn việc cưỡng chế hoá đơn của doanh nghiệp vì làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp mà người nộp thuế và chủ đầu tư không chấp hành thì chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp này và công khai những nội dung nợ của chủ đầu tư lên phương tiện thông tin đại chúng.
- Hiện nay có nhiều dự án chủ đầu tư thu tiền ngoài (tiền mặt), không xuất hoá đơn, chủ đầu tư cũng không kê khai với cơ quan thuế. Vậy làm sao cơ quan thuế có thể thu được thuế từ những đối tượng này?
Trước hết, thông qua thông tin về việc chủ đầu tư có thu tiền nhưng chưa kê khai, cơ quan thuế sẽ mời chủ đầu tư lên làm việc và xác nhận các hành vi này.
Nếu đúng chủ đầu tư đã thu tiền mà chưa kê khai nộp thuế sẽ xử phạt với hành vi không kê khai nộp thuế dẫn đến trốn lậu thuế trên cơ sở hồ sơ vi phạm hành chính có liên quan.
Nếu có vi phạm hình sự, cơ thuế sẽ chuyển cơ quan điều tra để phối hợp cùng thực hiện thực hiện tốt nghĩa vụ với cơ quan nhà nước.
- Xin cám ơn bà!
Ý kiến bạn đọc