(VnMedia) - Từ ngày 1/7 tới, theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, chủ đầu tư dự án khi bán nhà hình thành trong tương lai phải mua bảo lãnh của ngân hàng.
Mục tiêu cơ bản của quy định này là đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong trường hợp gặp phải chủ đầu tư thiếu năng lực, cố tình không triển khai dự án như cam kết. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn khi quy định này sắp được áp dụng vào thực tế.
Bên lề hội thảo chiều 29/6, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt
-Thưa ông, từ 1/7 tới đây, các dự án BĐS hình thành trong tương lai phải đảm bảo việc mua bảo lãnh ngân hàng để người mua nhà không chịu rủi ro. Theo đánh giá của ông, các doanh nghiệp bất động sản có động thái gì về vấn đề này?
Mục đích của quy định này là tốt vì nó bảo vệ được quyền lợi của người mua nhà. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì quy định này khó khả thi vì phần lớn những doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản đều thiếu vốn nên phải đi vay vốn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không có tiền để đi mua bảo lãnh ngân hàng.
Thứ hai, trên thực tế không phải chủ đầu tư dự án nào cũng làm sai so với cam kết mà có rất nhiều chủ đầu tư có uy tín với khách hàng. Các chủ đầu tư này đều làm đúng cam kết, giao nhà đúng thời hạn thì hà cớ gì bắt các doanh nghiệp này phải mua bảo lãnh.
Do vậy, quy định này cần phải xem xét lại. Luật quy định như vậy nhưng theo tôi tính khả thi không cao. Chúng ta biết có nhiều Luật được đưa ra nhưng không đi vào được cuộc sống.
-Vậy, theo ông sắp đến ngày 1/7, nếu quy định này được áp dụng thì điều gì sẽ xảy ra?
Hiện nay, có rất nhiều đạo Luật đã được ban hành nhưng không phải quy định nào của Luật cũng áp dụng vào được cuộc sống. Do đó, tôi cho rằng, điều luật nào không phù hợp thì phải điều chỉnh luôn. Như tôi đã nói, quy định bắt buộc các doanh nghiệp bán nhà ở hình thành trong tương lai là quy định tốt nhưng khó khả thi.
- Theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản mới (có hiệu lực từ 1/7), các doanh nghiệp đều phải mua bảo lãnh. Doanh nghiệp nào không mua bị coi là vi phạm pháp luật. Vậy, theo ông, trên thực tế các doanh nghiệp họ có mua bảo lãnh hay không?
Các doanh nghiệp đang dùng tiền của người mua nhà để xây dựng công trình. Vì lo doanh nghiệp nhận tiền mà không xây nhà nên mới sinh ra việc cần có bảo lãnh. Nếu doanh nghiệp bất động sản vay tiền của ngân hàng thì ngân hàng bảo lãnh đã đành. Nhưng thử hỏi, đã dùng tiền của người mua nhà để kinh doanh mà lại còn muốn ngân hàng bảo lãnh thì liệu ngân hàng có chịu bảo lãnh không, vì rủi ro rất lớn(?).
Hiện trên thị trường vẫn còn có các doanh nghiệp gần như "tay không bắt giặc", phụ thuộc chủ yếu vào việc góp vốn của người mua nhà để triển khai dự án. Nếu tỷ lệ người mua nhà không đóng tiền theo tiến độ của dự án cao thì chủ đầu tư không có cách nào để triển khai tiếp dự án và đây chính là rủi ro của những người mua nhà (nộp tiền đầy đủ theo tiến độ) và cả phía ngân hàng (nếu nhận bảo lãnh).
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc