(VnMedia) - Cuối năm 2014, đầu năm 2015, thị trường bất động sản Hà Nội xuất hiện hàng loạt các dự án chênh đã đặt ra nghi vấn có sự làm giá giữa chủ đầu tư với sàn bất động sản.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các sàn môi giới bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội rao bán rầm rộ các “suất ngoại giao” tại dự án CT4 Vimeco (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty CP VIMECO (là Cty con do Tổng công ty Vinaconex sở hữu 51%) làm chủ đầu tư.
Theo thông tin công bố, dự án CT4 cao 39 tầng, có 400 căn hộ. Giá chào bán trong hợp đồng góp vốn 24 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT, 2% phí bảo trì. Sau khi có được suất, các cổ đông không có nhu cầu đã đem các suất này chào bán ra thị trường với mức chênh “cắt cổ” 350-500 triệu đồng/căn hộ. Nếu cộng cả tiền chênh, giá bán dự án CT4 Vimeco sẽ được xác lập mức mới 27-29 triệu đồng/m2.
Thêm nữa, nếu cộng cả 10% thuế VAT, 2% phí bảo trì thì giá bán khoảng 31-33 triệu đồng/m2. Mức giá dự án này được cho là không hề thấp khi thời điểm bàn giao nhà kéo dài đến năm 2018, trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư từ giờ đến khi bàn giao được dự án lại khó xác định được.
Do dự án chung cư CT4 Vimeco chưa đủ điều kiện để bán nên chủ đầu tư chỉ được huy động vốn tối đa 20% số lượng căn hộ không qua sàn. Theo quy định, bản danh sách này phải được gửi lên báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội và phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở này.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhiều tháng nay kể từ thời điểm huy động vốn, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc báo cáo này. Trong khi đó, nếu 80 căn được bán “chui” dưới dạng hợp đồng góp vốn thì theo giá thị trường hiện nay, số tiền chênh lệch do “thổi giá” là không hề nhỏ, lên tới 28-36 tỷ đồng.
Tại dự án Kim Văn Kim Lũ VC2 nằm trên đường Nguyễn Xiển, Đại Kim, Hoàng Mai, do Cty CP Xây dựng số 2 Vinaconex (gọi tắt là VC2) làm chủ đầu tư, đang được chào bán đợt 1 với mức giá từ 18 - 22 triệu đồng/m2, nhưng khách hàng được nhân viên bán hàng của một sàn BĐS – được giới thiệu là đơn vị phân phối độc quyền – cho hay, để sở hữu được căn hộ này, khách hàng phải trả một khoản tiền chênh khá lớn: 2,2 triệu đồng/m2, tương đương với số tiền từ 150 - 300 triệu đồng/căn hộ. Khoản tiền chênh này được hợp thức hoá bằng một bản hợp đồng tư vấn và chỉ có chữ ký tay của người tư vấn và người mua.
Lý giải về vấn đề này, đại diện sàn giao dịch BĐS cho rằng, việc các nhân viên thu chênh dưới dạng thu phí tư vấn không phải là chủ trương của sàn, đó chỉ là các cộng tác viên kinh doanh của sàn. Còn đại diện lãnh đạo VC2 khẳng định chủ đầu tư ký hợp đồng phân phối với các sàn đều nêu rõ phải bán đúng giá niêm yết. Đơn vị phân phối chỉ độc quyền trong từng giai đoạn. Trong tháng này anh được độc quyền nếu bán đủ số lượng căn hộ được giao, nếu không đáp ứng được sẽ chuyển sang sàn khác...
Trước tình trạng “thổi giá”, xuất hiện giá chênh tại một số dự án BĐS, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh siết chặt công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các dự án, các sàn giao dịch BĐS nhằm ngăn chặn kịp thời việc thông tin không chính xác, bán nhà khi chưa đủ điều kiện, nâng giá bán qua các khâu trung gian, chênh lệch giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người dân.
Theo ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản cho rằng, hiện trên thị trường, sau thời kỳ trầm lắng cùng sự phát triển của kinh tế , bất động sản tăng giá là bình thường, việc tăng bất thường mới là điều chúng ta lo ngại.
“Tôi nghe đâu đó có chuyện một số chủ đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hết mức có thể nên giao cho sàn đẩy giá cao, là hoạt động không chuyên nghiệp.
Hiệp hội khuyến khích hội viên khi quyết định giá bán phải bằng sự nghiên cứu thị trường của mình, xác định phân khúc, đối tượng khách hàng, không nên vì lợi ích nhất thời để kích đẩy giá làm mất lành mạnh của thị trường”, ông Quang khuyến nghị.
Ông Quang cũng cho biết, ông đã nghiên cứu doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp. Nguồn lực đào tạo chuyên ngành bất động sản rất nhỏ khi làm việc chưa chuyên nghiệp cách làm như đã từng có là theo phong trào hoặc khi đầu tư chưa nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Dự án theo phong trào thừa ứ.
Các doanh nghiệp nên tự có hình thức cảnh báo . Nếu tập trung vào nhóm khách hàng với quá nhiều sản phẩm sẽ thừa ứ và thừa ứ ở phân khúc trung bình, thấp cấp càng khó tiêu thụ. Khi thừa ứ ở phân khúc cao cấp sẽ dễ giải quyết hơn.
"Tôi hy vọng những bài học trong quá khứ sẽ được chấp nhận để không lặp lại những sai lầm ở giai đoạn trước, ông Quang cho biết thêm", ông Quang nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc