Hà Nội lại lo xử lý 23 điểm úng ngập mùa mưa

06:58, 09/04/2015
|

(VnMedia) - Theo các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, với việc tồn tại 23 điểm úng ngập trong nội thành thì tình trạng úng ngập cục bộ trong đô thị năm 2015 vẫn có thể rất phức tạp.

>> Hà Nội đổ tiền chống ngập có hiệu quả?
>> Hà Nội úng ngập vì ... công trình thoát nước

Theo Công ty thoát nước Hà Nội, tính trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội hiện vẫn còn 23 điểm trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn 12 quận và huyện Thanh Trì có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn với lưu lượng từ 50-200mm/2 giờ.

Nếu lượng mưa lớn trên 150mm, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập.

Do vậy, để đảm bảo công tác thoát nước đô thị năm 2015, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu xây dựng phương án cục bộ để bảo đảm việc tiêu thoát nước nhanh nhất tại 23 điểm ngập úng này, đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty thoát nước Hà Nội sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản, nguồn vốn sự nghiệp khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục úng ngập tại 10 điểm đang triển khai để hoàn thành trước ngày 15/5.

Đối với 85 hồ nước phục vụ điều hòa thoát nước đô thị, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội kiểm tra, bảo trì hệ thống cống, đập và thống nhất phương án vận hành điều tiết nước hồ, đảm bảo hiệu quả cho công tác chống úng ngập đô thị.

Riêng đối với hồ Linh Quang và hồ Kim Liên nhỏ, hai cơ quan nói trên được yêu cầu sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện việc thu gom rác thải trên mặt hồ, nạo vét các mương, cống tiêu thoát nước xong trước ngày 15/5 để phục vụ tiêu thoát nước, hạn chế úng ngập trong khu vực.

Ảnh minh họa

Dù có rất nhiều cố gắng với nhiều dự án, nhưng tình trạng úng ngập mùa mưa tại Hà Nội vẫn còn rất phức tạp


Lãnh đạo Thành phố cũng yêu cầu vận hành tối đa các trạm bơm Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế và lặp đặt trạm bơm cục bộ để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh cho các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đặc biệt là khu vực phố Châu Văn Liêm, đảm bảo thoát nước đường gom đê Nghi Tàm- An Dương Vương, đường gom vành đai 3 tại Yên Sở, các mương thoát nước ngoài đê trên địa bàn quận Tây Hồ.

Ngoài ra, đối với các gói thầu của Dự án thoát nước giai đoạn II, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Ban quản lý dự án chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với khu vực chưa thi công xong, phải có phương án dẫn dòng phù hợp hoặc dừng thi công, phá bỏ các bờ vây để đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.

Ông Hùng cũng yêu cầu Ban quản lý dự án phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng và Ban quản lý dự án Tả ngạn để hoàn thành thi công cống Lò Đúc qua đường Trần Khát Chân trước ngày 30/4 tới đây.

Tại địa bàn quận Hà Đông, lãnh đạo Thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức phương án thoát nước cục bộ khu vực bệnh viện 103, khu vực Hà Cầu, đồng thời có phương án phối hợp đảm bảo thoát nước khu vực Yên Nghĩa khi công trường tuyến đường sắt đô thị đang triển khai thi công.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tiến độ Dự án thoát nước giai đoạn II của Thủ đô.
 
Đây là dự án trọng điểm của Thành phố, kéo dài trên địa bàn 8 quận, huyện và trên 60 phường, xã với tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB), khoảng 311,19ha.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 540 trường hợp chưa GPMB, trong đó phần do các quận, huyện làm chủ đầu tư thực hiện còn 292 trường hợp đất có công trình nhà ở; phần khối lượng GPMB bằng do Ban Quản lý Dự án thoát nước thực hiện còn 248 trường hợp, trong đó có 165 trường hợp đất nông nghiệp và 83 trường hợp đất có công trình nhà ở.

Một điểm đáng chú ý là, với báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội thì không biết có  phải tình trạng thoát nước ở Thủ đô đang nặng hơn không, khi mà vào mùa mưa năm 2014, ông Nguyễn Lê Tổng- Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố chỉ còn 12 điểm úng ngập như khu vực Quan Nhân- Vũ Trọng Phụng, khu vực đường 70, cầu Bươu, Phan Trọng Tuệ..., bởi các dự án thoát nước đô thị đã giúp cải thiện rất lớn đối với tình hình úng ngập.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc