“Sấm sét” trên đầu đại gia bất động sản

08:45, 02/01/2015
|

(VnMedia) - Năm 2014, nhiều đại gia bất động sản tiếp tục bị vướng vào vòng lao lý. Và từ đây, bức màn bí mật đằng sau cơ đồ sự nghiệp của các đại gia đã bị phanh phui và đưa ra ánh sáng.

Bắt Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Vụ bắt tạm giam đối với ông Phan Thành Mai - Nguyên Tổng Thư ký của Hiệp hội bất động sản Việt Nam được coi là một trong những biến cố lớn nhất vì ông Mai vốn là người hoạt động khá năng nổ trong thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông Mai bị bắt tạm giam theo thông tin ban đầu là do có hành vi gây thất thoát nhiều tỷ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng Ngân hàng Xây dựng.

Sinh ngày 20/6/1971 tại Nghệ An, ông Phan Thành Mai sớm được dư luận biết đến khi xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đai chúng. Nắm giữ chức vụ, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời kỳ bất động sản nóng hầm hập rồi… đóng băng, tên tuổi ông Phan Thành Mai “nổi” không kém bất cứ một chuyên gia địa ốc nào.

  Ảnh minh họa

Nguyên chủ tịch Hiệp hội BĐS VN Phan Thành Mai

Với vai trò Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Mai từng đề xuất cơ quan quản lý phổ biến với các ngân hàng thương mại về gói sản phẩm dành cho 4 nhà nhằm thúc đẩy các dự án bất động sản dở dang thông qua việc cấp vốn trực tiếp cho nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà sản xuất...

Đến tháng 3/2013, nhiều người bất ngờ khi ông Mai có tên trong danh sách bầu cử vào Hội đồng quản trị Ngân hàng TrustBank – tên cũ của Ngân hàng Xây dựng. Ít lâu sau, ông Mai trở thành Tổng Giám đốc của Ngân hàng này.

Tuy nhiên, gắn bó với ngân hàng này chưa lâu, ông Phan Thành Mai đã bị bắt tạm để điều tra. Một nguồn tin của báo Thanh Niên cho biết, bước đầu cơ quan điều tra xác định nguyên Tổng giám đốc của Ngân hàng Xây dựng đã dùng sổ tiết kiệm của một doanh nghiệp để thế chấp 39 khoản vay tại VNCB; các chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản... Khi quá hạn, các khoản vay trên không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hàng ngàn tỷ đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh rơi vào vòng lao lý

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh rơi vào vòng lao lý Ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành công Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vì “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ông Danh và ông Mai cùng bị bắt tạm giam để điều tra cùng 1 vụ án.

Ông Phạm Công Danh sinh năm 1965, tại Quảng Ngãi, người được biết đến với “sáng kiến” gói tín dụng 50. 000 tỉ đồng cho bất động sản.

Ảnh minh họa

Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh

Theo thông tin ban đầu, bị can có hành vi gây thất thoát nhiều tỉ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng. Ông Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỉ đồng dù hợp đồng với bên cho thuê trong hợp đồng được ký kéo dài 40 năm.

Cả ông Danh, ông Mai và thành viên HĐQT Mai Hữu Khương đã lập tài khoản thế chấp vay tiền tại VNCB; lập chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, không có hồ sơ… khi quá hạn không có khả năng thu nợ gây thiệt hại cho VNCB trên 6.000 tỉ đồng.

Ông chủ "Sky Garden" biến mất

Ông chủ "Sky Garden" biến mất Cũng trong năm 2014, nhiều khách hàng mua dự án Sky Garden đã bức xúc vì không thể liên lạc được với ông chủ của dự án này.

Dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ Sky Garden Towers (gọi tắt là Sky Garden) được cấp giấy phép đầu tư tháng 3/2011 và được cấp phép xây dựng vào tháng 12/2011. Dự án được xây dựng trên diện tích đất 7.000m2 do Công ty TNHH Định Công (Thành viên Vân Thái Group) làm chủ đầu tư (do 2 thành viên là Viện khoa công nghệ tàu thủy và CTCP Thép Vân Thái – Vinashin góp vốn).

Dự án khá rõ ràng về pháp lý nhưng ngay từ khi bắt đầu triển khai, dự án đã “lình xình” nhiều vấn đề liên quan đến việc huy động vốn, tiến độ dự án… khiến  người mua nhà lo lắng. Gần đây nhất, vào đầu tháng 3 khi nhận được thông tin vị Tổng giám đốc phía chủ dự án mất tích khiến nhiều khách hàng điếng người, hoang mang.

Phản ánh trên báo điện tử infonet, ông Hoàng Đình Giáp, đại diện nhóm khách hàng mua nhà tại dự án nói trên cho biết: Dự án Sky Garden có biểu hiện gian dối, khách hàng muốn gặp lãnh đạo để giải quyết thắc mắc lúc nào cũng nhận được câu trả lời của nhân viên công ty là Tổng giám đốc đi vắng, đi công tác, đi chữa bệnh….

“Ngày 4/3 vừa qua, quá bức xúc và lo lắng trước thực trạng dự án dừng thi công đã lâu, nhiều khách hàng đã cùng nhau kéo đến trụ sở Công ty để gặp lãnh đạo. Sau khi khách hàng quyết liệt “ép” mới “lòi” ra vấn đề từ tháng 9/2013 Công ty không biết ông Hồ Anh Thái, Tổng giám đốc Công ty ở đâu nữa, không liên lạc được”, ông Giáp cho hay.

Theo phản ánh của ông Quang, một khách hàng mua nhà tại dự án, tại buổi gặp chủ đầu tư ngày 4/3 vừa qua, khách hàng chỉ gặp được vị Chủ tịch HĐQT của Công ty, là đơn vị góp đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, vị này nói không có chuyên môn, còn Tổng giám đốc phụ trách về pháp luật đã mất tích, không rõ lý do.

“Vị Chủ tịch HĐQT đó cho biết, nhiều tháng nay Công ty cũng đã không liên lạc được với ông Thái và đã báo cơ quan công an. Công ty cũng đã báo cáo cấp trên điều tra để tìm người thay thế, thực hiện tiếp dự án”, ông Quang cho hay.

Ông chủ tịch Vina Megastar bị bắt

Ngày 1/7/2013, theo lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CA TP.Hà Nội (PC46), cơ quan điều tra vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đã bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Long (Chủ tịch  Cty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng) về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, ông Long bị bắt về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của Ngân hàng SeaBank. Được biết, ông Nguyễn Hoàng Long còn là Chủ tịch Công ty Vina Megastar - chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, trong đó có dự án Hesco Văn Quán.

Ảnh minh họa

Nguyễn Hoàng Long và đại dự án BĐS

Để có tiền đầu tư vào các dự án lớn của Công ty mình, ông Long đã thế chấp các dự án cho các ngân hàng lớn để vay vốn; đồng thời, người đứng đầu Vina Megastar còn huy động hàng trăm tỉ đồng từ khách hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những dự án trên vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Vì vậy, khách hàng đầu tư vào dự án này có nguy cơ mất trắng số tiền rót vào dự án là điều khó tránh khỏi. Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, hiện số tiền mà Nguyễn Hoàng Long vay của ngân hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó có ít nhất 8 Cty “con” được thành lập dưới sự điều hành của Nguyễn Hoàng Long.

Điển hình là dự án Vĩnh Hưng Dominium (số 409 Lĩnh Nam, P.Vĩnh Hưng, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) của Cty Vĩnh Hưng. Dự án này gồm tổ hợp 2 công trình có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng (25 tầng và 35 tầng) và 1 khu nhà thấp tầng gồm 12 căn cao 4 tầng nằm giữa 2 tòa nhà... được xây dựng trên diện tích gần 12.399m2. Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 1.2011 và Cty Vĩnh Hưng đã tiến hành huy động vốn thông qua sàn giao dịch bất động sản của Công ty CP đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long (chi nhánh tại Hà Nội).

Tại thời điểm huy động vốn đã có hàng trăm nhà đầu tư bỏ tiền mua căn hộ. Sau lễ khởi công, chủ đầu tư đã không có động thái nào tiếp theo, dự án vẫn nằm yên tại chỗ, cả khu đất hơn 1,2ha cỏ mọc um tùm. Đến lúc này, nhiều nhà đầu tư mới đi tìm chủ đầu tư để đòi lại tiền đặt cọc, nhưng không thể liên hệ được với đại diện chủ đầu tư cũng như ông Nguyễn Hoàng Long.

Trong một diễn biến khác, do cần vốn để xây dựng dự án, Công ty Vĩnh Hưng đã thế chấp dự án này để vay vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt (chi nhánh Hà Nội) với tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỉ đồng, được giải ngân làm hai đợt: Đợt 1 là 225 tỉ đồng, đợt 2 là 175 tỉ đồng. Để được giải ngân 400 tỉ đồng, Công ty Vĩnh Hưng buộc phải mua thép của Công ty xây dựng và phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong quá trình mua bán, thì phía Công ty Vĩnh Hưng và Công ty xây dựng và phát triển chăn nuôi có “hiểu lầm”, ngân hàng Bảo Việt mặc dù đã chuyển 225 tỉ đồng vào tài khoản Công ty xây dựng và phát triển chăn nuôi để Công ty này chuyển thép cho Công ty Vĩnh Hưng như  thoả thuận, tuy nhiên, Công ty Vĩnh Hưng lại không nhận được số thép trên. Cho rằng phía đơn vị cung cấp thép cố tình chiếm đoạt 225 tỉ đồng, Công ty Vĩnh Hưng đã yêu cầu đơn vị cung cấp thép hoàn trả toàn bộ số tiền tạm ứng, tuy nhiên, Công ty CP xây dựng và phát triển chăn nuôi vẫn “phớt lờ”.

Trước mắt, cơ quan điều tra đã có đủ tài liệu để khẳng định về việc ông Long chiếm đoạt tài sản của SeaBank số tiền gần 30 tỉ đồng.  


Khánh An

Ý kiến bạn đọc