(VnMedia) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện chỉ tính riêng TP. Hà Nội đã có 6.000 khách hàng được vay vốn ưu đãi gói 30 nghìn tỷ để mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội.
Đánh giá của Bộ Xây dựng về kết quả thực hiện gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cho thấy, tính đến 15/12/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39% (tháng 6/2014 mới đạt 13,47%); đã giải ngân là 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% (tháng 6/2014 mới đạt 7,63%). Trong đó, Hà Nội có 6.000 khách hàng được vay vốn, còn TPHCM là 3.000 khách hàng
Tốc độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2014 tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn từ tháng 6/2014 trở về trước, nhất là sau khi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó đã mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thực tế qua 2 năm triển khai đã khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Bộ Xây dựng chủ động đề xuất là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản...
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường đã được khôi phục.
Theo quy định mới nhất của NHNN, đối tượng được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đã được mở rộng hơn, gồm: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở; hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội; người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại các khu vực đô thị; sinh viên, học sinh tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân… Thời gian hưởng lãi suất ưu đãi cũng được nâng từ 10 năm lên 15 năm và lãi suất cho vay chỉ còn 5%.
Bên cạnh đó, với việc NHNN vừa quyết định bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần vào chương trình này, các chuyên gia kinh tế và các ngân hàng đều nhìn nhận khá tích cực đối với quyết định của NHNN và tin tưởng rằng trong năm 2015 sẽ có những đột phá tăng trưởng trong việc giải ngân tín dụng ưu đãi hỗ trợ nhà ở. Đây sẽ là cơ hội tốt để các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân và mở rộng phạm vi khách hàng cho vay ra các tỉnh, thành khác thay vì chỉ tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc