(VnMedia) - Với trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng đã đề nghị Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ ngành liên quan giám định, nguyên nhân sự cố sập hầm Đạ Dâng. Trong trường hợp, công trình này có cấp độ nguy hiểm lớn sẽ cho dừng xây dựng.
>> Vỡ òa niềm vui cứu sống 12 người vụ hầm sập
>> 3 Bộ trưởng có mặt tại hiện trường vụ sập hầm
Sáng 23/12, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay công việc cứu hộ đã hoàn thành. Với trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu.
Khả năng sẽ cho dừng xây dựng hầm thủy điện Đạ Dâng
Xin ông cho biết, sau khi xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng, Bộ Xây dựng đã làm gì để khắc phục sự cố này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Ngay sau khi xảy ra sự cố, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và các cơ quan liên quan tập trung quyết liệt cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tôi đã chỉ đạo Cục Giám định, Tổng Công ty Sông Đà, Sở Xây dựng Lâm Đồng khẩn trương có mặt tại hiện trường để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã trực tiếp có mặt, cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và các cơ quan chức năng tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường.
Các đơn vị thuộc ngành xây dựng đã chủ động đề xuất và triển khai các giải pháp cứu hộ khẩn cấp như: khoan thép ống thống hơi, cung cấp nguồn oxy và dinh dưỡng, qua ống thoát nước từ cả hai phía thượng lưu và hạ lưu, khoan lỗ thông hơi từ đỉnh đồi, gia cố tăng cường những vị trí nguy hiểm ở khu vực cứu nạn… và thực hiện phương án cứu hộ khác. Như chúng ta đã biết công tác cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt đã thành công, và đảm bảo an toàn về tính mạng.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng đã đề nghị Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ ngành liên quan giám định, nguyên nhân sự cố. Trong trường hợp, công trình này có cấp độ nguy hiểm lớn sẽ cho dừng xây dựng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (ngoài cùng, bìa trái) cùng ngành Xây dựng huy động tổng lực tham gia cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng |
Xin ông cho biết trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình này như thế nào?
Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và các nhà thầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng công trình đối với các phần việc do mình thực hiện.
Theo quy định của Luật Xây dựng 2003, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định: Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quản lý CLCT, kiểm tra và xử lý vi phạm nói chung. Các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không trực tiếp thực hiện hoạt động quản lý cụ thể đối với từng công trình như thẩm định, thẩm tra thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu mà các trách nhiệm này thuộc về người quyết định đầu tư và chủ đầu tư xây dựng công trình.
Theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được đổi mới theo hướng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong đó Bộ Công Thương quản lý chất lượng công trình thủy điện.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các cơ quan chuyên môn về xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế (tiền kiểm/kiểm soát chất lượng đầu vào) và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng (kiểm soát đầu ra). Trong quá trình thực hiện thi công xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình, các nhà thầu chịu trách nhiệm về phần việc do mình thực hiện liên quan đến chất lượng công trình.
Tổng kiểm tra các dự án thủy điện vừa và nhỏ
Như vậy cho đến nay công việc cứu hộ, cứu nạn đã cơ bản hoàn thành, xin ông cho biếtcác công việc tiếp theo phải làm để tiếp tục giải quyết sự cố?
Hiện tại, hiện trường vụ sập hầm đã bị phong tỏa, bảo vệ hiện trường và tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố.
Sau khi có kết quả điều tra nguyên nhân sự cố, phải phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động xây dựng có liên quan đến công trình này; sau khi phân định rõ trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu phải khắc phục các hậu quả theo quy định của pháp luật trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét việc có cho phép tiếp tục thực hiện dự án hay không?
Vậy trong trường hợp này, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố?
Theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT- BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. Ủy ban UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết (Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan khác có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được xây dựng trên cả nước, Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng công trình và ngăn ngừa các sự cố như vừa xảy ra tại thủy điện Đa Dâng ?
Với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi toàn quốc, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý chất lượng công trình xây dựng, hướng dẫn luật xây dựng 2014 với nhiều nội dung đổi mới trong đó đặc biệt là phân định rõ và tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng chuyên ngành nói riêng (ví dụ như các cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng đối với các công trình dân dụng, ngành công thương đối với các công trình thủy điện, ngành giao thông đối với các công trình giao thông…)
Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, với trách nhiệm là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước chất lượng công trình trên toàn quốc, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Bộ Công Thương và UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ và Sở Công thương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và công tác quản lý chất lượng nói riêng, từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng và nghiệm thu. Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh sẽ phối hợp để thực hiện các công việc này. Trường hợp phát hiện các sai phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xin cảm ơn ông !
Ý kiến bạn đọc