(VnMedia) - MIECD là một hệ thống hiện đại sử dụng công nghệ điện thoại di động để theo dõi dữ liệu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong gói chăm sóc bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn trẻ từ 0-8 tuổi - giai đoạn vàng phòng ngừa suy sinh dưỡng thấp còi…
Chiều ngày 14/12, Bộ Y tế cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đồng tổ chức hội thảo Tham vấn Quốc gia về Ứng dụng công nghệ di động trong Dự án Phát triển Trẻ em toàn diện (MIECD).
MIECD là một sáng kiến chiến lược về sử dụng công nghệ thông tin di động nhằm giải quyết các Chương trình nghị sự chưa hoàn thành của Mục tiêu Thiên niên kỷ, đồng thời nhằm theo dõi và giám sát việc triển khai Dự án Phát triển Trẻ em toàn diện giai đoạn 2017-2021.
MIECD là một hệ thống hiện đại sử dụng công nghệ điện thoại di động để theo dõi dữ liệu chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong gói chăm sóc bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn trẻ từ 0-8 tuổi. Hệ thống cho phép thu thập dữ liệu quan trọng về bà mẹ và trẻ em theo thời gian thực tế. Tuy nhiên MIECD không đơn giản chỉ là một cơ sở dữ liệu mà còn là một hệ thống phân tích dữ liệu sử dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng dự đoán, phân tích dữ liệu sử dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng dự đoán, phân tích để hỗ trợ người sử dụng đưa ra các quyết định quan trọng.
Hàng ngàn thông tin về sức khỏe bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ được thu thập trong khu vực dự án bởi cán bộ chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện như cán bộ y tế thôn bản. Những người này sẽ thu thập và gửi những dữ liệu được mã hóa tới hệ thống MIECD qua tin nhắn SMS. Sau đó, hệ thống MIECD sẽ tự động xử lý và phân tích thông tin nhận được. Các phân tích này sẽ được tổng hợp và hiện lên màn hình máy tính để các bác sĩ, nhân viên y tế, và người chăm sóc có thể theo dõi những trường hợp nguy hiểm nhằm chủ động cung cấp các dịch vụ và can thiệp thích hợp và đúng thời điểm để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bà mẹ và trẻ cũng như đảm bảo trẻ phát triển tối đa tiềm năng.
Bên cạnh đó, tính năng tương tác của MIECD sẽ được sử dụng để chia sẻ thông tin nhằm tăng cường kiến thức làm cha mẹ, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ sớm của các bậc phụ huynh. Ngoài ra, với độ phủ song rộng của mạng điện thoại di động ở Việt Nam, MIECD có thể tiếp cận những người dân sống ở khu vực địa lý xa xôi và biệt lập, giúp thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa khu vực miền núi và nông thôn với khu vực thành thị, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Các bài trình bày tại Hội thảo nhấn mạnh, suy dinh dưỡng thấp còi khó có thể điều trị được nhưng duy sinh dưỡng thấp còi có thể ngăn ngừa được. Do đó, để loại bỏ suy dinh dưỡng thấp còi, cần tập trung chăm sóc phòng ngừa các ca mắc mới qua việc giải quyết những nguyên nhân trực tiếp như thai chậm phát triển trong tử cung và dinh dưỡng không đầy đủ trong những năm đầu đời của trẻ.
"Tiến trình của một đứa trẻ trở nên suy dinh dưỡng thấp còi được quyết định bởi những ảnh hưởng tích lũy kéo dài qua các thế hệ. Kể cả ngay khi người mẹ chưa thụ thai, đứa trẻ của người mẹ đó đã có nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi nếu người mẹ không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết. Với chức năng phân tích dự đoán của MIECD, các yếu tố nguy cơ của người mẹ được chẩn doán trong thai kỳ nhờ modun thai sản sẽ được kết nối với modun dinh dưỡng để hệ thống tự động phân tích nhằm xác định những trường hợp người mẹ cần can thiệp dinh dưỡng để giảm nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung.
Ngoài ra, sau khi trẻ chào đời, cán bộ chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện cũng sẽ thu thập dữ liệu về chiều cao và cân nặng của trẻ trong từng giai đoạn phát triển. hệ thống sẽ tự tđộng tính toán và xác định những trường hợp trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi cao và cần nhận được can thiệp thích hợp và đúng thời điểm. Dưới sự trợ giúp của MIECD, suy dinh dưỡng thấp còi có thể được ngăn ngừa một cách triệt để.
35.000 trẻ em được hưởng lợi
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, MIECD Việt Nam khi hoàn thiện sẽ bao gồm 8 modun trong các lĩnh vực thai sản, trẻ sơ sinh, dinh dưỡng, tương tác sớm, trẻ khuyết tật, nước sạch - vệ sinh - môi trường, phát triển trẻ em toàn diện và điều tra khảo sát.
Theo Thứ trưởng Tiến, mỗi năm, cả nước có khoảng 600 bà mẹ tử vong khi sinh, nếu áp dụng được công nghệ thông tin vào thì sẽ chuyển tải được kiến thức cho các nhân viên y tế cũng như các bà mẹ thì sẽ giúp giảm tử lệ tử vong. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, nếu triển khai ngay trên cả nước thì sẽ rất khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí, do vậy, MIECD sẽ được thí điểm tại 27 xã khó khăn của 9 huyện thuộc 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Điện Biên. Ước tính, sẽ có khoảng 35.000 trẻ từ 0-8 tuổi và 25.000 phụ huynh và người chăm sóc được hưởng lợi từ dự án.
Trong giai đoạn triển khai ban đầu, UNICEF sẽ phát triển hai modun Thai sản và Dinh dưỡng với mục tiêu “không xảy ra tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được” và “giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em”. Các modun khác trong các lĩnh vực nước sạch - vệ sinh – môi trường, giáo dục và bảo vệ trẻ em sẽ được phát triển trong giai đoạn sau.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc