Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.800 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp phép theo quy định, góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ của một bộ phận không nhỏ dân cư thành phố. Tại nhiều quận huyện, số trường, lớp, nhóm trẻ tư thục chiếm đa số như tại quận 12 có đến 53 trường mầm non, 257 nhóm lớp ngoài công lập đang nhận giữ 2.937 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 20.527 trẻ mẫu giáo trong khi chỉ có 19 trường công lập.
Điều đáng nói là mặc dù các trường, lớp ngoài công lập đóng vai trò khá quan trọng nhưng hầu hết các vụ bạo hành trẻ được phanh phui trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ các trường, nhóm lớp này.
Từ đầu năm đến nay tại TP.HCM đã diễn ra liên tiếp 3 vụ bạo hành trẻ tại nhóm lớp mầm non tư thục, đặc biệt là vụ bạo hành trẻ ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh vừa qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bạo hành diễn ra tại các nhóm lớp tư thục này có nguyên nhân chính từ việc cấp phép quá dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng trong khi giáo viên mầm non lại thiếu, thậm chí những người dạy trẻ ở cơ sở tư thục không được đào tạo về chuyên môn. Theo Thông tư 13 của Bộ GDĐT quy định về quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục, yêu cầu trình độ văn hóa của chủ nhóm, lớp từ THPT trở lên và phải có các chứng chỉ nghiệp vụ về quản lý, chăm sóc trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý... Điều quan trọng là các chứng chỉ nghiệp vụ quản lý, chăm sóc trẻ em này có đảm bảo chất lượng cho giáo viên hay không.
Theo cô Phạm Thị Loan, Phó Trưởng phòng GDĐT quận Bình Thạnh, những quy định về cấp phép cho nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục còn quá đơn giản, chưa chặt chẽ khiến cho quá trình kiểm tra, thẩm định của Phòng giáo dục và UBND phường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho các nhóm, lớp khá ngắn nên khó đảm bảo về nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, tính chất công việc chăm sóc, giáo dục trẻ đòi hỏi chủ nhóm, lớp phải có sự am hiểu chuyên môn, vững nghiệp vụ sư phạm mầm non thì mới làm được.
Không những thế, nhiều cơ sở khi cấp phép thì đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuy nhiên sau một thời gian kiểm tra lại thì chủ nhóm lại tuyển nhân sự không chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đáp ứng quy định chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ… Điển hình là lớp mẫu giáo tư thục Mầm Xanh khi xin cấp phép thì đảm bảo các điều kiện nhưng khi vụ việc bạo hành vỡ lở mới phát hiện 2 cô giáo hành hạ trẻ đều mới được tuyển dụng và không có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn.
Trước vụ việc bạo hành trẻ nghiêm trọng tại lớp mầm non tư thục Mầm Xanh, Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM cho hay, hiện quy định cấp phép cho các nhóm lớp mầm non tư thục còn khá đơn giản nên trong thời tới Sở sẽ xem xét, siết chặt hơn việc mở các nhóm, lớp này. Đồng thời trong tháng 12 này, Sở sẽ trình UBND TP về kế hoạch gắn camera tại các trường mầm non tư thục.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, Sở GDĐT TP.HCM kiến nghị UBND các quận, huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên đối với những nhóm trẻ tư thục; đồng thời kiên quyết đóng cửa và giải thể đối với các nhóm, lớp tư thục hoạt động thiếu hiệu quả, không đảm bảo an toàn cho trẻ, vi phạm quy chế chuyên môn của ngành.
Theo Infonet
Ý kiến bạn đọc