Hơn 22 nghìn đoàn thanh tra an toàn thực phẩm trong năm 2017

19:21, 14/12/2017
|

(VnMedia) - Riêng trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, phạt hơn 61 tỷ đồng…

thanh tra về an toàn thực phẩm
Cả nước có hơn 22.000 đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm

Sáng 14/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã họp với các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết, nhiều khả năng số vụ vi phạm ATTP bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh từ năm 2018 bởi thực tế, rất nhiều vụ vi phạm ATTP vừa qua nếu căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự để khởi tố.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo, đến nay cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử.

Bên cạnh việc lồng ghép, tuyên truyền sự kiện trong các bản tin hàng ngày, nhiều đài phát thanh, truyền hình đã xây dựng, phát sóng các chương trình truyền hình trực tiếp, chuyên mục về ATTP, hướng dẫn người tiêu dùng tìm đến những địa chỉ tin cậy, lựa chọn sản phẩm sạch.

Trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tỷ lệ đạt yêu cầu tăng từ 91% (năm 2016) lên 97,3% (năm 2017). Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các mẫu thực phẩm không phát hiện có chứa chất cấm trên gần 10.000 mẫu tại các chợ, cơ sở giết mổ; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06% giảm 2,05%. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016.

Số tiền phạt vi phạm ATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng; Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng; Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, cùng với đó là khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Trong khi đó, số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân.

Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, cần phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xử lý nghiêm vi phạm ATTP tại các địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, trong năm 2018, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp Chính phủ đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để “xoá rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Đồng thời, công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng xử lý theo phong trào rồi lại tái diễn như cũ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đấu tranh với hành vi sản xuất rượu giả gây ra những vụ ngộ độc dẫn đến chết người thương tâm; siết chặt quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể ở những sự kiện tập trung đông người như đám cưới, liên hoan…

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc