Bé trai 10 tuổi bị bố đẻ bạo hành: Sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương

09:39, 10/12/2017
|

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho rằng, trong vụ cháu bé 10 tuổi bị cha ruột bạo hành dã man ở Hà Nội thì ngoài người cha, còn thấy sự vô trách nhiệm của chính quyền sở tại khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi bị cha ruột bạo hành suốt 2 năm ở Hà Nội, VTC News đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD).

Ông Nguyễn Trọng An cũng là người Việt Nam duy nhất (tính đến thời điểm hiện nay) được tổ chức HealthRight Quốc tế vinh danh vì đã có những cống hiến to lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

"Trong vụ cháu bé 10 tuổi bị cha ruột bạo hành vừa qua, ngoài người cha, còn cho thấy sự vô trách nhiệm của chính quyền sở tại khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự việc", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Cần lên án mạnh mẽ hành vi bạo hành trẻ em

- Vừa qua, một bé trai tại Hà Nội bị bố ruột đánh đập, hành hạ suốt 2 năm trời, vụ việc chỉ được phát hiện khi bé trai này chạy thoát khỏi gia đình và kể lại cho ông bà nội biết. Ông đánh giá thế nào về vụ việc trên?

Trước hết phải khẳng định hành vi bạo hành con mình của người cha trong vụ việc trên là không thể chấp nhận được. Tôi nghe xong thực sự rất sốc. Hành vi này cần phải lên án mạnh mẽ. Ngoài việc lên án, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng tinh thần pháp luật quy định.

Việc xử lý thế nào thì tùy theo mức độ hành vi, hậu quả gây ra đối với trẻ em, tất cả trong Luật Trẻ em của ta đã quy định rất rõ ràng rồi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An:
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: "Vụ cháu bé 10 tuổi bị bạo hành cho thấy sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương".

Ngoài việc điều tra làm rõ hành vi bạo hành trẻ em và xử lý người cha thì vấn đề thứ hai đặt ra lúc này là cơ quan chức năng cần phải sớm tìm ra cơ sở an toàn để chăm sóc cháu bé thay thế gia đình theo đúng Luật Trẻ em để bảo đảm cháu bé được chăm sóc chữa trị về thể chất cũng như ổn định lại tinh thần.

Quan trọng nhất lúc này là cần phải có cán bộ y tế hỗ trợ về tâm lý để ổn định tinh thần cháu bé, vì cháu bé bị sang chấn trầm trọng khi bị bố bạo hành. Những ảnh hưởng, tổn thương về tinh thần còn lớn hơn những tổn thương về thể xác rất nhiều mà không thể đong đếm được.

- Trong thời gian gần đây, ngoài vụ việc cháu bé 10 tuổi bị cha ruột hành hạ cũng có hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ xảy ra trên địa bàn cả nước gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ông có nhận xét gì về thực trạng này?

Có thể nói hiện nay bạo hành trẻ em xảy ra rất nhiều, mọi lúc, mọi nơi, cả ở gia đình, trường học và cộng đồng, thậm chí bạo hành trẻ em xảy ra bởi chính bố mẹ và người chăm sóc trẻ, ngay tại gia đình và các cơ sở chăm sóc, bảo vệ trẻ.

Việc sử dụng các hình phạt, các biện pháp giáo dục nghiêm khắc mang tính bạo lực, đặc biệt bạo lực về tinh thần trong xã hội, gia đình, trường học còn khá phổ biến, xu hướng ngày một gia tăng gây bức xúc xã hội và lo lắng cho các bậc làm cha mẹ.

Toàn bộ các hành động trên không chỉ gây thương tích trên cơ thể, tàn tật về thể xác, mà còn gây sang chấn rất nặng nề về tinh thần của các em, thậm chí những tổn thương này đeo đẳng suốt cuộc đời các em. Nhiều em đã bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, kích động và tự tử...

Nghiên cứu ở các nước trên thế giới đã chỉ ra, bạo hành trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề rối loạn xã hội nghiêm trọng như nghiện ngập, phạm pháp, bạo loạn, giết người... sau này.

Đây là những vấn đề rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội.

Sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương

- Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, nhưng tình trạng bạo hành trẻ vẫn gia tăng. Đơn cử như vụ việc cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị cha ruột bạo hành vừa qua, suốt 2 năm mà vẫn không ai biết?

Ở đây theo tôi, cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Phải nói là qua vụ việc cháu bé bị bạo hành vừa rồi thể hiện sự vô trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em tại địa phương.

Cụ thể là các cơ quan ở địa phương, nơi gia đình cháu bé sinh sống như là tổ dân phố cho đến UBND phường, các đoàn thể khác như phụ nữ, thanh niên... đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Không có lý gì mà sống cùng phường với gia đình cháu bé, 2 năm trời em bé không được đi học, thỉnh thoảng còn nhìn thấy em bé có sẹo trên người vậy mà thờ ơ, vô cảm như vậy thì rất kì cục. Phải nói đấy là một sự vô trách nhiệm.

Ở đây, cần phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan này, cụ thể là phải kiểm điểm vì không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo vệ trẻ em.

Về vấn đề vì sao tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng thì theo tôi nguyên nhân sâu xa là do sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Cụ thể ở đây là sự phân hoá giàu nghèo, mức sống chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng dẫn đến sự gia tăng các vấn đề xã hội tiêu cực, phát sinh đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bóc lột sức lao động và các hình thức bóc lột vì các mục đích thương mại khác.

Vụ việc cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị chính cha ruột của mình bạo hành suốt 2 năm qua khiến dư luận phẫn nộ và lên án.
Vụ việc cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị chính cha ruột của mình bạo hành suốt 2 năm qua khiến dư luận phẫn nộ và lên án.

Ngoài gia, hiện nay nhiều gia đình người Việt hiện cũng có sự thay đổi quan niệm về một số giá trị đạo đức và lối sống theo hướng tiêu cực vị kỷ, nhân cách bị đồng tiền làm tha hoá, gia tăng bạo lực và các tệ nạn xã hội, không coi trọng các mối quan hệ ruột thịt, gia đình, dòng họ… cùng với một số giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, nhà trường chưa được phát huy dẫn đến sự bạo hành trẻ em, coi thường sinh mạng, phẩm giá con người.

Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp của tình hình trên là Việt Nam đang thiếu một hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, chưa làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục và phòng ngừa, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em có nhiệm vụ truyền thông, tư vấn cho gia đình và cộng đồng còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực chuyên môn.

Ngoài ra, quy định trong luật pháp của ta về bảo vệ trẻ em cũng chưa thực sự được rõ ràng.

- Để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể gì?

Thứ nhất, đó là vai trò của gia đình, cụ thể là vai trò của cha mẹ đối với con cái, trẻ nhỏ. Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc mang đến cho trẻ tình yêu thương, sự hiểu biết và đáp ứng những nhu cầu của trẻ.

Cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn nếu các bậc cha mẹ phối hợp cùng chuyên gia và áp dụng những cách mà giáo viên hay các chuyên gia kiến nghị để chăm sóc trẻ về thể chất và nuôi dưỡng trẻ về tinh thần.

Để thực hiện được điều này, trước hết trong từng gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ. Trong đó, giáo dục gia đình là quan trọng hàng đầu.

Thứ hai, đó là vấn đề luật pháp. Luật pháp của ta quy định về bảo vệ trẻ em ở trong văn bản đã tương đối nghiêm minh. Song cần phải bổ sung thêm những điều khoản để cho chặt chẽ hơn như những điều khoản quy định đong đếm về những tổn thương tinh thần của trẻ em, cụ thể là những ảnh hưởng trầm trọng ra làm sao để có hình phạt tương ứng.

Thứ ba, hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay cũng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước về trẻ em và trách nhiệm người đứng đầu của hệ thống chính quyền các cấp, vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm và chưa rõ ràng trong trách nhiệm giải trình. Vì vậy, cần sớm bổ sung trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý nhà nước về trẻ em.

Thứ tư, đó là vấn đề vai trò của truyền thông, báo chí. Truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra, cũng cần phải xây dựng, thiết lập lại mạng lưới bảo vệ trẻ em ở cộng đồng để tuyên truyền, phòng ngừa, tránh xảy ra những việc bạo hành trẻ em đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

(Theo VTC)


Ý kiến bạn đọc