(VnMedia) - Đại biểu Lưu Bình Nhỡng đề nghị sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu trong khoảng từ 55 đến 60 tuổi.
Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, cho ý kiến về việc cần đảm bảo bình đẳng trong cơ hội thăng tiến của phụ nữ cũng như tuổi nghỉ hưu và lương hưu.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) góp ý, trong quy hoạch đào tạo, tạo cơ hội để đề bạt, cân nhắc, xem xét đối với nữ trong đào tạo quy hoạch không nên tính đến độ tuổi, “như vậy người ta mới có cơ hội để làm cán bộ chủ chốt ở tuổi đó mới bằng với nam được” - ông Trương Minh Hoàng nói.
“Nếu vẫn giữ độ tuổi nữ nghỉ hưu chênh lệch với nam 5 tuổi, tôi đề nghị cách tính lương, cách tính nâng quân hàm phải làm thế nào để khi nghỉ hưu bằng với nam. Ví dụ, nam chuyên viên chính 3 năm lên lương một lần, 3 năm lên cấp hàm một lần đối với sỹ quan, nên chăng chỉ cần 2 năm rưỡi. Như vậy, tới tuổi nghỉ hưu người ta mới hưởng bằng nam giới được”, đại biểu Trương Minh Hoàng nêu đề xuất cụ thể.
Liên quan đến quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cho rằng, quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam giới dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu kể từ năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới là chưa bình đẳng trong tổng thể nguyên tắc chung về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Chưa bầu đã biết là không trúng
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) thì đánh giá, vẫn còn hình thức phân biệt đối xử một cách gián tiếp mà nhìn bề ngoài, những việc làm quy định mang lợi ích đến cho phụ nữ nhưng khi xét kết quả hay tác động trở lại thì thấy ẩn chứa sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử.
“Cụ thể, trong Bộ luật Lao động quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự cách biệt. Chính sự cách biệt này dẫn tới hệ lụy là cản trở cơ hội được đề bạt, được đào tạo và khả năng được tiếp tục cống hiến của một nhóm phụ nữ, cho nên là đề nghị Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cũng nghiên cứu vấn đề này” - đại biểu Châu Quỳnh Dao nói.
Chia sẻ với đại biểu Châu Quỳnh Dao về việc trong quy định của pháp luật không tạo điều kiện, cơ hội cho một số các phụ nữ muốn tiếp tục cống hiến và đặc biệt là cơ hội thăng tiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết “vấn đề này có tính lịch sử”. Theo đó, trước đây Luật lao động muốn cho phép phụ nữ nghỉ sớm hơn và được hưởng thụ sớm hơn.
"Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là không tạo điều kiện cho một số bộ phận lao động nữ được cống hiến và kéo dài thời gian cống hiến", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
“Tôi đề nghị, sửa đổi Bộ luật Lao động thì phải nghiên cứu rất kỹ quy định này để cho bộ phận lao động nữ được lựa chọn quyền nghỉ hưu từ 55 tuổi đến 60. Nhưng tuổi nghỉ hưu theo quan điểm của tôi là quy định 2 giới phải tương đương nhau. Còn phụ nữ ai có quyền lựa chọn về hưu từ tuổi 55 hay tuổi 56 hay tuổi 59 hay tuổi 60 là quyền của phụ nữ chứ không bắt buộc phải về nghỉ hưu từ lúc 55 tuổi. Giải quyết như thế sẽ hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng quan tâm đến cơ hội thăng tiến của phụ nữ, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nêu lên một khía cạnh khác, đó là giữa nhận thức và hành động chưa đồng hành, đặc biệt quá trình tổ chức chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên và cũng thiếu cụ thể.
“Thậm chí có hình thức đối với việc quy hoạch cơ cấu nữ vào bộ máy lãnh đạo, cơ quan tổ chức hành chính nhà nước và vào đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhưng chỉ đảm bảo tỷ lệ phần trăm nữ, còn gắn với vị trí thì chưa có. Nhưng khi chưa bầu đã biết là không trúng vị trí này. Nhiều lãnh đạo các cấp khi xét duyệt quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm không chú trọng, không quan tâm về giới nữ, thiếu tạo điều kiện cho nữ”, ông Phương nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đề nghị Chính phủ phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo bình đẳng ở cả cách tính lương, ở cả độ tuổi nghỉ hưu, vì hiện nay lương bình quân trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% so với nam giới.
“Phụ nữ không yếu”
Khá trái ngược với những lý kiến của hầu hết đại biểu khi chăm lo, đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu quan điểm riêng: “Có quan niệm cho rằng, phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ, như vậy cũng chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ. Khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thậm chí thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới, bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, thậm chí bị đánh. Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm”.
“Tôi thấy phụ nữ bây giờ trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức đến hành động không hề thua kém đàn ông… Hiện nay, tuổi thọ bình quân của phụ nữ là 76,1, của nam là 70,8, như vậy về sức khỏe, tuổi thọ phụ nữ đã vượt đàn ông. Tôi xin khẳng định lại là phụ nữ không yếu, nếu trước kia là phái yếu thì theo tôi hiện nay phụ nữ là phái đẹp”, đại biểu Trương Anh Tuấn khẳng định.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc