Mỗi năm có 1.300 trẻ bị xâm hại tình dục là số liệu không chính xác

13:49, 01/11/2017
|

(VnMedia) - "Mỗi năm, 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục chỉ là con số những vụ việc bị khởi tố, không phản ánh đúng tình hình vì nhiều trường hợp nạn nhân và gia đình im lặng" Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nói.

Sáng nay (1/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Mở đầu Phiên thảo luận, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phản ánh những bức xúc của cử tri liên quan đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Theo ĐB Thuỷ, “chưa có bao giờ tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục phức tạp như trong thời gian qua".

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) phát biểu tại Hội trường sáng 1/11

ĐB Thuỳ dẫn chứng: Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như: Số trẻ em bị xâm hại ở mẫu giáo gia tăng; xâm hại trẻ sau đó giết trẻ, hoặc đe dọa khiến trẻ bị tổn thương; nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân; một số vụ thầy giáo, bảo vệ nhà trường xâm hại nhiều học sinh, chỉ đến khi các cháu quá hoảng sợ nói với người lớn mới được biết. Sự việc nghiêm trọng như vậy, nhưng có dấu hiệu bỏ qua, bị bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình xử lý vụ án.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, gia đình vốn là hàng rào bảo vệ các em, nhưng hiện nay, các gia đình mới quan tâm theo cách truyền thống, mà chưa quan tâm nhiều trang bị cho trẻ các kiến thức cần thiết về giới tính, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sau khi vụ việc xảy ra gia đình không báo với chính quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn để đấy. Qua các vụ việc cho thấy, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn hạn chế, và chưa được chuyên nghiệp. Sách giáo khoa còn ít phần thể hiện, giáo viên còn tâm lý e ngại…

ĐB Thuỷ đặc biệt quan tâm đến những khó khăn trong vấn đề giám định và cho rằng, Luật Giám định tư pháp hiện không có quy định với trường hợp này mà chỉ quy định về giám định chung.

“Gia đình người bị hại không có quyền yêu cầu giám định ngay, mà chỉ sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Thời gian giám định càng kéo dài thì khả năng chứng minh càng giảm. Do đó, “khi sửa đổi Luật Giám định tư pháp cần quy định cho phép gia đình người bị hại được yêu cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra”, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị.

Đánh giá công tác quản lý Nhà nước với trẻ em nói chung và với trẻ em bị xâm hại nói riêng còn nhiều hạn chế, ĐB Thuỷ cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, có 15 cơ quan có trách nhiệm, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối. Nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác về tình trạng trẻ em bị xâm hại.

“Tất cả đều lấy số liệu theo các vụ án bị khởi tố. Nếu lấy theo số liệu này không phải ánh đúng tình hình, vì có trường hợp trẻ em và gia đình chấp nhận im lặng bỏ qua. Mà không đánh giá được tình hình sẽ không có biện pháp phù hợp”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nói. 

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, bà Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên trong một cuộc toạ đàm cũng đã bưc xúc thốt lên: Một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ, nhưng khi một đứa trẻ bị lạm dụng, cưỡng hiếp không biết gọi ai.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc