(VnMedia) - Hôm nay (13/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (GPMB - PV) Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14 ha, trong đó đất vườn cây cao su là 2.378,14 ha; đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng khoảng 2.970,2 ha; đất do cơ quan, tổ chức sử dụng là 109,89 ha; đất giao thông, sông suối: khoảng 106,7 ha.
Báo cáo Giám sát đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện cho biết, một trong các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai là phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, đặc biệt là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế (nông trường, doanh nghiệp), cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư; cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ ; làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp” - Báo cáo Giám sát nêu rõ.
Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của số liệu diện tích đất ở, trong tổng diện tích 5.000 ha chỉ có 35,64 ha đất ở và cho rằng, nếu số liệu này không chính xác sẽ dẫn đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ phát sinh lớn khi thực hiện.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại cơ cấu các loại đất thu hồi xây dựng Dự án Cảng HKQT Long Thành, nhất là đất ở. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần rà soát về công suất thiết kế sân bay để tính toán nhu cầu sử dụng đất cho phù hợp.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, bổ sung chính sách bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định pháp luật đất đai hiện hành.
Đồng thời đề nghị cần làm rõ số hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi hết đất nông nghiệp, thu hồi một phần đất nông nghiệp; số hộ gia đình, cán bộ, công nhân, người lao động trong các tổ chức kinh tế bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện Dự án; số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở và phân nhóm số hộ có đất ở thu hồi theo các mức quy mô diện tích từ cao xuống thấp để có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.
Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với 6 đối tượng.
Một là bồi thường về đất đối với những trường hợp có chung quyền sử dụng đất; Hai là bồi thường, hỗ trợ về đất đối với trường hợp đất có diện tích đo đạc thực tế khác so với diện tích đất ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; Ba là bồi thường thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh đối với tổ chức kinh tế; Bốn là bồi thường về di chuyển mồ mả; Năm là bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình và sáu là bồi thường về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc khi quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn về mức bồi thường, hỗ trợ giữa các dự án trên cùng địa bàn tỉnh Đồng Nai, tránh khiếu kiện trong người dân có đất bị thu hồi.
Có ý kiến đề nghị phân tích và làm rõ hơn về điều kiện kinh tế - xã hội vùng Dự án vì Báo cáo mới đề cập đến những con số liên quan đến dân cư, nhà cửa vật kiến trúc và công trình trong vùng dự án… nhưng chưa có các điều tra xã hội học cơ bản về điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, nhu cầu cơ bản và mong muốn của người dân…
Hôm 27/10/2017, thảo luận tại tổ về Dư án này, đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đến 23.000 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB sân bay Long Thành, bởi theo ông, trong khi hiện nay ngân sách mới dành được 5.000 tỷ đồng, còn lại thiếu từ 15.000-18.000 tỷ đồng thì “chưa rõ lấy đâu ra”.
Đại biểu Phạm Minh Chính cho rằng, chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu công là giải pháp hữu hiệu và rất khả thi.
Cụ thể, theo ông Chính, với mức dự kiến chi thường xuyên năm 2018 sắp tới, chỉ cần tiết kiệm chi được 1% thì đã có gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ cần tiết kiệm chi trong hơn 2 năm thì đã có đủ 23.000 tỷ đồng để làm GPMB sân bay Long Thành.
Về giải pháp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, có thể tập trung vào làm mạnh công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, cắt giảm các khoản chi hội họp, kỷ niệm… chứ chưa cần đến mức phải “thắt lưng buộc bụng”.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc