Đóng BHXH, sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản

15:17, 19/11/2017
|

Đó là tình cảnh của rất nhiều nữ cán bộ xã, phường trên cả nước, kể từ khi luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014) có hiệu lực từ 1/1/2016.

Sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản khiến gia đình chị Ngọc thiệt thòi
Sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản khiến gia đình chị Ngọc thiệt thòi

Cụ thể, theo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), cán bộ không chuyên trách ở xã, phường tham gia BHXH chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn.

Thiệt thòi, tủi thân...

Chị Trương Thị Minh Ngọc (28 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn, TP.HCM), là cán bộ thường trực khối dân vận, thuộc UBND P.Thạnh Xuân (Q.12, TP.HCM), cho biết năm 2014 chị sinh đứa con đầu, vẫn được hưởng chế độ thai sản. Cuối năm 2016, chị sinh con thứ 2 thì bị cắt mất chế độ thai sản. Tìm hiểu, chị mới biết theo luật BHXH mới, chị không còn thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản nữa. Chị Ngọc làm việc tại UBND P.Thạnh Xuân từ năm 2012 theo chế độ hợp đồng, không thuộc biên chế như cán bộ công chức. Dù là cán bộ không chuyên trách nhưng thực tế công việc chị làm cũng nhiều như cán bộ chuyên trách. Mỗi ngày, chị phải có mặt ở trụ sở UBND phường giải quyết hồ sơ từ sáng đến chiều tối, có khi phải ôm cả chồng hồ sơ về nhà làm mà không kịp. Ngoài công việc này, chị không có thời gian làm thêm bất cứ công việc gì khác. “Khi nghỉ sinh con, vợ chồng tôi rất vất vả để lo toan mọi thứ. Biết chuyện, ba mẹ tôi rày dữ lắm, bắt tôi phải nghỉ và tìm việc khác chứ mang tiếng làm nhà nước mà sinh con cũng không được chế độ gì”, chị Ngọc bức xúc.

Tương tự, chị Võ Thị Nhung (26 tuổi, ngụ P.Thạnh Xuân, Q.12), Phó chủ tịch Hội Phụ nữ P.Thạnh Xuân, cho biết lúc chị mang thai thì luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực. Giữa năm 2016, chị sinh đứa con đầu lòng mới “té ngửa” khi được thông báo không được hưởng chế độ thai sản. “Bạn tôi học hết lớp 12, làm công nhân ở công ty nhỏ nhỏ, khi sinh con cũng được hưởng chế độ thai sản 30 - 40 triệu đồng. Còn mình học đại học, mang tiếng làm nhà nước mà chẳng được đồng nào. Thấy thiệt thòi và tủi thân lắm”, chị Nhung tâm sự.

Lo cán bộ nghỉ việc

Ông Vũ Anh Đức, Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân, cho biết dù không chuyên trách nhưng các cán bộ này vẫn làm việc như những cán bộ chuyên trách do khối lượng công việc quá lớn. Không những không có chế độ thai sản mà ngay cả các chế độ khác như tai nạn, ốm đau, những đối tượng này cũng không được hưởng. “Đó là một thiệt thòi cho họ, nếu không có sự điều chỉnh thì nguy cơ cán bộ kéo nhau nghỉ việc là khó tránh khỏi”, ông Đức nhận định và cho hay: “Phường cũng thấy sự thiệt thòi này nên đã trích một phần theo quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ, nhưng chỉ là tạm thời cho 1 - 2 người, chứ nếu nhiều thì cũng khó”.

Cùng quan điểm này, ông Võ Minh Trí, Chủ tịch UBND P.3 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét: “Quy định này áp dụng cho các thành phố lớn như TP.HCM là bất cập”. Theo ông Trí, tại P.3 vừa có một phó chủ tịch Hội Phụ nữ sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản. “Cán bộ này cũng rất tâm tư, từ đầu năm 2017 đến nay tại phường đã có 2 trường hợp xin nghỉ làm”, ông Trí nói và cho biết phường cũng tự trích ngân sách chi tiêu nội bộ để hỗ trợ, nhưng về lâu dài thì cần phải có sự thay đổi ở luật.

Trao đổi với PV, ông Cao Văn Sang, nguyên Giám đốc BHXH TP.HCM, cũng nhận định đối với TP.HCM và một số địa phương, quy định này không phù hợp bởi ở những đô thị lớn, cán bộ không chuyên trách vẫn làm khối lượng công việc rất lớn. Ông Sang cũng cho biết cơ quan chức năng thành phố đang kiến nghị HĐND TP.HCM đưa ra chính sách cho phép sử dụng ngân sách thành phố để chi giải quyết các trường hợp này, giải quyết khó khăn cho cán bộ.

Điều 30 luật BHXH

Điều 30 luật BHXH nêu rõ đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 điều 2 của luật này. Cụ thể, các đối tượng này, theo khoản 1 điều 2 là công dân VN thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Các đối tượng không được hưởng chế độ thai sản gồm:

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại luật Người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

(Theo Thanh Niên)


Ý kiến bạn đọc