Trong căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu - nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ sống những năm cuối đời, hai người con dâu lặng lẽ sắp xếp đồ dùng, vật dụng cá nhân của mẹ chồng, để ngay ngắn trên chiếc tràng kỷ...
Sự ra đi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô (SN 1914, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) để lại sự tiếc thương cho nhiều người.
Trong căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu - nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ sống những cuối đời, hai người con dâu lặng lẽ sắp xếp đồ dùng, vật dụng cá nhân của mẹ chồng, để ngay ngắn trên chiếc tràng kỷ. Chiếc ghế mây nơi cụ ngồi ăn cơm, bộ áo dài đỏ treo trên mắc, bàn tính gỗ... được các con giữ nguyên vẹn như khi chủ nhân của nó còn tại thế.
Kể về mẹ chồng, bà Phạm Thị Yến (SN 1949, con dâu cụ Minh Hồ) chia sẻ: “Sinh thời, mẹ tôi là người sống rất nguyên tắc, nề nếp và có một trái tim vô cùng nhân hậu”.
Theo bà Yến, tuy được sinh ra trong nhung lụa, ngay cả khi giàu có, nắm trong tay rất nhiều tài sản đến khi sắp mất, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn giữ lối sống tiết kiệm và giản dị.
Quần áo của cụ khi giặt xong phải gấp phẳng phiu, gọn gàng. Sống trong căn biệt thự rộng lớn nhưng đồ đạc hết sức giản tiện. Người con dâu nói: " Gia đình không mua sắm đồ mới vì tôn trọng ý kiến của mẹ. Mẹ muốn giữ lại những đồ vật cũ, trong đó có chiếc tràng kỷ mang về từ căn nhà 48 Hàng Ngang.
Mẹ tôi kể, chiếc tràng kỷ này có một lịch sử rất đặc biệt. Ngày còn ở 48 Hàng Ngang, trong những ngày viết bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã dùng chiếc tràng kỷ này ngả lưng".
Ngoài ra, bà Yến chia sẻ thêm, cụ Minh Hồ luôn giữ cho mình cách sống mẫu mực của người Hà Nội xưa.Câu chuyện bát nước mắm cách đây nhiều năm đã để lại ấn tượng khó phai với bà Yến về nhân cách sống đáng quý của mẹ chồng. Bà Yến kể: “Bữa ăn còn chút nước mắm thừa, mẹ tôi thường nhắc con không được đổ đi mà phải để lại, bữa sau nấu nướng thì nêm vào. Bữa ăn nào bà cũng dạy con cháu, ăn cơm phải sạch bát, không được để thừa hạt cơm nào. Mẹ tôi nói: “Người nông dân phải trồng cấy 3 tháng 10 ngày mới được một hạt gạo, nhất định không thể bỏ phí”.
“Mẹ tôi có một thói quen từ khi còn trẻ đó là tự ướp chè sen, chè nhài. Có lần tôi bảo: "Mẹ đừng ướp nữa, mẹ cần gì con mua cho" nhưng mẹ tôi lắc đầu. Bà phân tích, do bà tuổi đã cao, mỗi lần khách đến chơi và tặng quà, bà không có gì ngoài ấm chè tự ướp để đáp lễ”.
Bà Yến cho biết thêm, cụ Minh Hồ có cách ướp chè vô cùng tỉ mỉ, cầu kỳ. Chè phải mua loại lâu năm vị mới đậm, hoa phải chọn lựa bông còn mới, cánh không được dập nát. Trước khi ướp, mẹ tôi phải rửa chè, tiếp đó cho chè ủ với chai nước nóng 2 ngày 1 đêm để chè giòn, khô rồi mới bỏ chè ra ướp với hoa sen hoặc hoa nhài.
Khi con cháu lập gia đình, cụ thường khuyên mọi người sống với nhau phải hòa hợp, thảo hiền và bản thân cụ là tấm gương rõ ràng nhất.
Ông Trịnh Cần Chính, người con thứ 6 của cụ Hoàng Thị Minh Hồ và doanh nhân Trịnh Văn Bô, chia sẻ thêm: “Bố mẹ tôi lấy nhau năm mẹ tôi 18 tuổi. Mẹ vẫn nói, từ lúc lấy nhau cho đến ngày bố tôi qua đời, hai vợ chồng chưa một lần cãi vã, to tiếng.
Trước khi mất, bà vẫn còn nhắc đến chồng với cả tình yêu sâu đậm. Năm nào đến ngày giỗ bố, bà cũng tự tay làm cỗ hoặc khi sức khỏe yếu bà luôn nhắc nhở các con phải nấu những món bố mà bố thích ăn”.
Theo bà nguyễn Xuân Hà (SN 1961, con dâu), cụ Minh Hồ có cách giáo dục con cái vô cùng tinh tế. Bà Hà kể: “Tôi sinh ra trong gia đình đông anh chị em, từ bé được chiều chuộng không phải làm gì nên khi về làm dâu, tôi rất vụng về. Nhiều bạn bè còn e ngại khi tôi về làm dâu trong một gia tộc đình đám như vậy.
Nhưng chính mẹ là người đã giúp tôi gạt bỏ được những lúng túng ban đầu. Mẹ dạy tôi nấu các món ăn cổ truyền, dạy về lễ nghi, phép tắc ứng xử và đạo làm người. Đặc biệt, mẹ chưa bao giờ nặng lời với con dâu”.
Vẫn theo lời bà Hà, với bất kể ai, cụ Minh Hồ đều dành một thái độ trân trọng và khiêm nhường. Cụ không bao giờ chê trách con dâu trước mặt người khác. Cụ muốn mua gì bao giờ cũng lịch sự nói: “Con mua giúp mẹ hoặc con mua hộ mẹ”. Đối với người giúp việc trong nhà cụ lúc nào cũng trân quý và đối đãi tử tế.
Một lần, cụ Minh Hồ thấy con dâu ngồi gác chân lên ghế, cụ không hài lòng nhưng không nói ra, một lần thấy cháu nội ngồi như vậy, cụ nhẹ nhàng nhắc cháu, bà Hà biết mẹ nhắc khéo mình, từ đó mỗi lần ngồi đều điều chỉnh tư thế cho ngay ngắn.
Trong nhà, chẳng may vợ chồng con trai có mâu thuẫn, bao giờ cụ cũng đứng về phía con dâu. Cụ thương con dâu như con gái ruột của mình.
Một lần, ông Trịnh Cần Chính, chồng bà Hà đi công việc cho mẹ, về có uống chút bia, mặt đỏ bừng và hai vợ chồng có chút bất đồng.
Cụ nghe thấy, một mặt cụ gọi con dâu vào nhắc nhở: “Chồng con đi lo việc, phải ngoại giao, là việc phải làm”. Sau đó, bà gọi riêng con trai vào, bà cấm tuyệt đối con trai nói to, quát mắng con dâu.
“Lúc trên giường bệnh còn tỉnh táo, xem tivi thấy cảnh đồng bào bị bão lụt là cụ lại khóc chảy nước mắt..." - đôi mắt hoe đỏ bà Hà nhớ lại.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc