(VnMedia) - Sáng nay (1/11), ngày thứ 2 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm, thảo luận, trong đó có 12 dự án tồn đọng và đang cần xử lý.
Bộ trưởng cho rằng, đây là nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau và phần lớn đều có những vấn đề mà nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Theo Bộ trưởng, để giải quyết tồn đọng của các dự án này, đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước và nguồn lực của nhà nước thì phải làm một cách đồng bộ, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, những nguyên nhân và hướng giải quyết.
Vì vậy, trong năm 2016 và 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế là thành lập những Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể trên các dự án để tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hướng giải quyết. Đồng thời, tiếp tục ban hành các chính sách, các quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ cả mặt hiệu quả của dự án bao gồm cả giải quyết về mặt công nghệ, thương mại để đảm bảo hiệu quả nguồn lực của Nhà nước đầu tư trong dự án này. Mặt khác, giải quyết triệt để sự vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân ở các cấp.
Về những bài học kinh nghiệm để có biện pháp giải quyết, ngăn chặn những vi phạm mới hoặc phát sinh những dự án mới không có hiệu quả, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, Bộ Chính trị đã nghe và cũng đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất tất cả những việc chuẩn bị, trong đó có giải pháp cơ chế chính sách và những bước để triển khai tiến hành. Năm 2018 sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này. Đến năm 2020 thì sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực.
“Trên thực tế hiện nay tiến độ đang được đảm bảo, trong số 12 dự án này thì có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường và có hoạt động thương mại có hiệu quả, để từ đó hướng đến giải pháp bán vốn cũng như thu hồi vốn của nhà nước. 3 dự án khác trong lĩnh vực về xăng sinh học cũng đang có khởi động và đang tiếp tục tổ chức lại, năm 2018 sẽ hoạt động thương mại tham gia thị trường và cũng là cơ sở để chúng ta giải quyết triệt để được các dự án này" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Ông cũng cho biết, "các dự án như gang thép Thái Nguyên, thép Việt Trung cũng đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như tiếp tục giải pháp về mặt công nghệ, giải quyết những tồn tại với các nhà thầu nước ngoài và tổng thầu của nước ngoài để chúng ta có cơ sở giải quyết về mặt khía cạnh trong thương mại về công nghệ ở trong nước của dự án".
Không tái xuất thuốc lá lậu
Liên quan đến vấn đề buôn lậu mà nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận “đây cũng là một thực tế". “Đây là sự phối hợp trong chủ động, trách nhiệm của từng lực lượng trong lực lượng liên ngành để chống buôn lậu, từ công an cho đến biên phòng, hải quan và quản lý thị trường. Còn trong nhiều trường hợp, đặc biệt ở các địa phương điểm nóng còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên dẫn đến hiệu quả, hiệu lực đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu. Ví dụ như đại biểu Sỹ Cương đã nêu, có rất nhiều thời gian không thấy bóng dáng của các lực lượng chuyên ngành, lực lượng liên ngành trong mặt đấu tranh chống buôn lậu. Đây cũng là một thực tế".
Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước đó, Quốc hội đã thông qua cho phép xem xét trách nhiệm hình sự ở mức độ buôn lậu trên 1500 điếu thuốc lá. “Đây là cơ sở rất quan trọng nếu không các hoạt động buôn bán thuốc lá lậu đều có thể tìm cách né tránh điều chỉnh chế tài của pháp luật thông qua kẽ hở này” - Bộ trưởng nói.
Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh cần có quan điểm toàn diện đồng bộ thống nhất trong các biện pháp nghiêm khắc để chế tài và xử lý các hành động buôn lậu thuốc lá.
“Ví dụ, câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã có quan điểm rất quyết liệt là không sử dụng và tái xuất thuốc lá lậu, vì lợi ích mang lại không bao nhiêu nhưng nguy cơ rất lớn ảnh hưởng tới thị trường thông qua hoạt động thẩm lậu. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động tái xuất thuốc lá lậu và tịch thu được lại có những dấu hiệu đã thẩm lậu trở lại trong thị trường nội địa của Việt Nam. Hàng loạt bất cập khác trong việc quản lý thuốc lá lậu tái xuất cũng đặt ra vấn đề quản lý của chúng ta, cũng như hiệu quả quản lý đối với thị trường, đối với người tiêu dùng, đối với ngành công nghiệp cũng như đối với thất thu ngân sách của nhà nước" - người đứng đầu ngành Công Thương nói.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc