Bão số 14 di chuyển tốc độ nhanh kết hợp với không khí lạnh tạo mưa lớn, dân vùng ảnh hưỏng bão thiếu kinh nghiệm đối phó với bão lớn.
Sáng 18/11, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục cứu hộ cứu nạn, Trung tâm dự báo khí thượng thủy văn Trung ương, gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ GT-VT, Bộ Công Thương, EVN, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi…
Giao ban ứng phó với bão số 14. |
Theo báo cáo nhanh trực ban phòng chống thiên tại, sáng sớm nay (18/11), áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão, chính thức thành cơn bão số 14 trong năm nay.
Dự báo, đến sáng mai (19/11) bão số 14 cách bờ biển tỉnh Khánh Hòa – Bình Thuận khoảng 150 km về phía Đông. Tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi vào khu vực Nam Trung bộ.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Nam Biển Đông, vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 12. Sáng sớm 19/11, vùng biển ngoài khơi từ Bình Định trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12.
Đại diện Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 14 có vùng ảnh hưởng lớn, tốc độ di chuyển vào khoảng 30km/h nhanh hơn so với các cơn bão khác. Kết hợp với không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam khu vực Bắc bộ và Trung bộ có mưa diện rộng.
Ngày 19/11, khu vực Bắc bộ và Trung bộ trời chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất 11 độ C, vùng núi cao 10 độ C. Biển động mạnh, sóng biển cao 2-3m. Từ ngày 20/11 không khí lạnh tiếp tục bổ sung khu vực Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, mưa to. Vùng biển ngoài khơi Trung Trung bộ, trong đó có vùng biển Bình Định và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 1,5-2,5m.
“Mưa cường độ lớn, dự kiến từ 100-200mm, thời gian kéo dài đến 26/11, dịch chuyển từ Bắc vào Nam do ảnh hưởng của khối không khí lạnh cần chủ động đề phòng ”- vị này cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6 sáng nay (18/11) vùng ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.604 tàu với 251.796 lao động biết vị trí, diễn biến hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Biên phòng Cà Mau cho biết hiệt hiện 698 tàu với hơn 4541 lao động chưa liên lạc được.
Về tình hình hồ chứa, theo đại diện EVN các hồ chứa thuộc lưu vực sông Thu Bồn, sông Ba, Serepok, sông Đồng Nai đã thực hiện nghiêm chỉ đạo xả lũ của địa phương làm giảm lũ, chậm lũ cho hạ lưu.
Vụ an toàn hồ đập (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có tổng công 501 hồ chứa thủy lợi. Các hồ chứa tràn tự do về cơ bản đã tích đầy hoặc xấp xỉ nước. Một số hồ đang vận hành xả lũ hồ Định Bình (Bình Đình), hồ Đá Bàn (Khánh Hòa), hồ Tân Giang (Ninh Thuận).
Các địa phương có các hồ chứa xung yếu và các hồ cần đặc biệt quan tâm, khi có mưa lớn như: hồ Buôn La Bách, Hóc Răm; Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định), sông Biêu (Ninh Thuận), Trà Tân, sông Quao (Bình Thuận).
Theo các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, khu vực bão số 14 dự kiến đổ bộ vào là khu vực mới chịu thiệt hại nặng nề của đợt bão vừa qua. Bão số 14 có đặc điểm di chuyển nhanh kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra tổng lượng mưa lớn.
Đại diện Bộ đôi Biên phòng phát biểu. |
Đề nghị kêu gọi tàu thuyền vận tải, tàu đánh bắt thủy hải sản, tàu thuyền du lịch. Kinh nghiệm rút ra từ thiệt hại cơn bão trước phần nhiều việc sơ tán dân nuôi trồng hải sản sát ven biển chưa triển khai triệt để vì thế phải bắt buộc sơ tán kể cả cưỡng chế. Đề nghị cấm biển ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão ngay trong trưa nay.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, - Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, bão số 14 đi vào khu vực thường ít chịu ảnh hưởng của bão thì kỹ năng ứng phó thiên tai yếu hơn các vùng khác, điều này qua bão số 12 đã thấy rõ. Đặc biệt, nhân dân vùng nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa rất nhiều tàu nhỏ, các lồng bè bị chìm chưa trục vớt xong. Tàu thuyền du lịch nhiều. Thời gian di chuyển bão nhanh, vùng ảnh hưởng bán kính 200 km cùng với ảnh hưởng khí lạnh miền Bắc vào nên hình thành 2 vùng mưa, đặc biệt vùng mưa ảnh hưởng của không khí lạnh khá cao lại là nơi có nhiều hồ chứa bị tổn thương sau bão số 12.
"Vì thế, cần lưu ý đối với các địa phương vùng núi cao sát biển (từ Khánh Hòa trở vào) chịu ảnh hưởng của gió lạnh khả năng bị tổn thương cao, thời gian từ lúc mưa đến lúc có lũ diễn ra nhanh. Các hồ chứa qua cơn bão số 12 cơ bản đã tích nhiều nước", ông Thắng nói.
Phó Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai đề nghị, ngoài các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương thì chỉ huy của các Bộ, theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo theo ngành dọc của mình thì mới sâu sát và cụ thể hơn; Tiếp tục giám sát, hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi khu vực có thiên tai; Ủy ban tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra sự cố trên biển. Trung dự báo khí tượng Thủy văn dự báo thật sát truyền thông tin đến cơ quan chỉ đạo.
Ông Thắng lưu ý, vùng chịu ảnh hưởng của bão tới đây, người dân ít hứng bão nên có ít nhiều có sự chủ quan. Vì thế cần thông tin hình ảnh tác động do bão sóng biển, cây đổ, nhà tốc mái… để có tác dụng tốt hơn trong công tác phòng ngừa chống bão./.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc